Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nâng cao nhận thức: giáo dục đạo đức học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, học sinh (HS) có những biểu hiện đáng lo ngại về đạo đức như bỏ tiết, mất trật tự, không chịu học bài; nặng hơn là nói dối, không vâng lời thầy cô, ăn mặc phản cảm, đánh nhau và yêu đương quá sớm.

Nếu giáo viên chủ nhiệm không nắm bắt kịp thời để can thiệp, tư vấn thì các em dễ bị sai lệch về đạo đức. Những hiện tượng trên, trước hết là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa tương lai của chính bản thân các em, sau đó đến gia đình, đồng thời chắc chắn cản trở sự phát triển của xã hội. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự suy thoái đạo đức của một bộ phận HS hiện nay?

Theo chúng tôi, do các nguyên nhân sau: Một là các em thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình. Cha mẹ nhiều khi không hòa thuận rồi mải lao vào cơm áo gạo tiền hoặc có quan tâm nhưng không đúng cách cũng dễ làm cho các em hư. Hai là do ảnh hưởng của xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, HS tiếp xúc nhiều với internet, các em học ở đó mặt tích cực cũng nhiều song cũng không ít những tiêu cực như hình ảnh, phim ảnh gây phản cảm không phù hợp với giá trị đạo đức của người Việt Nam. Các em xem nhiều sẽ kéo theo những hành vi sai lệch dẫn đến phạm tội bởi “gần mực thì đen”. Ba là hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trong gia đình, trên phim ảnh đã có tác động không nhỏ đến đạo đức lối sống của HS. Bốn là nội dung chương trình giáo dục đạo đức – công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể. Phương pháp giảng dạy của giáo viên bộ môn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút HS. Năm là việc giáo dục kỹ năng sống chưa đi vào chiều sâu và thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Công tác tư vấn tâm lý cho HS chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy để cuốn hút HS hơn. Ảnh: Anh Khôi

Về giải pháp giáo dục đạo đức cho HS, chúng tôi xin có một số đề xuất như sau: Thứ nhất, đối với công tác quản lý. Cần tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục đạo đức HS. Nâng cao mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Đối với giáo viên chủ nhiệm, ngoài sự nghiêm khắc phải có tấm lòng yêu thương, thể hiện trách nhiệm, lòng vị tha, thông cảm chia sẻ niềm vui nỗi buồn giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Thầy cô dành nhiều thời gian để tâm sự và cho HS những lời khuyên bảo chân tình, tạo được niềm tin động lực cho các em phấn đấu hoàn thiện. Hình ảnh người thầy ảnh hưởng không nhỏ đến HS, chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm không những cần năng lực chuyên môn mà đòi hỏi thật sự là tấm gương sáng về tác phong, tư cách đạo đức, chuẩn mực trong trang phục, lời nói, cách ứng xử…

Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô phải là tấm gương sáng cho các em noi theo, có hình thức khen thưởng và xử phạt công bằng giữa các thành viên. Phải đặt mình vào vị trí của HS để có những phương pháp giáo dục đúng đắn phù hợp cho từng đối tượng.

TS. Ninh Văn Bình

Bình luận (0)