Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nâng cao nhận thức người dân về sự cần thiết của đọc sách

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đã nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi họp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10101952/ 10102022), do Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức.


Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi họp mặt

Tham dự buổi họp mặt còn có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê và các đại biểu là lãnh đạo các nhà xuất bản, in, phát hành sách.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành xuất bản, in và phát hành sách TP luôn đồng hành cùng sự phát triển của TP, góp phần tích cực trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và xây dựng, phát triển TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Mặc dù ngành xuất bản, in và phát hành sách hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức khi phải đối mặt với thị trường ngày càng cạnh tranh, thị hiếu của người đọc thay đổi nhanh chóng và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện tử, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đã có nhiều cố gắng, tạo sự chuyển biến tích cực.


Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu (đứng giữa) và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê (ngoài cùng bên trái) tham quan sách tại gian trưng bày

“Trong điều kiện khó khăn nhưng mỗi năm lĩnh vực xuất bản, phát hành TP có 25.000 đầu sách với khoảng 1 triệu bản in. Một số mô hình như: Đường Sách TP, Hội sách Tết, Hội sách TP, xe sách lưu động… đã trở thành điểm nhấn văn hóa, niềm tự hào của người làm sách, yêu sách TP. Bên cạnh đó, TP.HCM là một trung tâm in ấn lớn với tổng sản lượng in chiếm khoảng 65% của cả nước. Với khoảng hơn 1.300 doanh nghiệp in có đăng ký hoạt động, ngành in TP đáp ứng hầu hết nhu cầu in trong nước và bước đầu tiếp cận thị trường thế giới, giải quyết việc làm cho người dân lao động trong ngành và đóng góp một phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách hàng năm”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy TP cho rằng vẫn còn những mặt còn tồn tại, hạn chế trong hoạt động xuất bản, in, phát hành sách của TP. Đó là cơ cấu đề tài sách chưa cân đối, thiếu các ấn phẩm chất lượng cao, đặc biệt là đề tài về nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Mặt khác, hiệu suất phát hành sách còn thấp, giá thành sách còn cao. Hoạt động liên kết xuất bản còn thiếu chặt chẽ trong quy trình, nghiệp vụ xuất bản dẫn đến những sai sót, xuất bản phẩm kém chất lượng.

Tương tự, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, nghiệp vụ cho biên tập viên, đào tạo cán bộ chủ chốt cho ngành chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hạ tầng của doanh nghiệp in chưa theo kịp sự phát triển, tình trạng sách in lậu vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng thị trường sách TP, gây thiệt hại kinh tế và tạo bức xúc cho những nhà xuất bản…

Để hoạt động xuất bản, in và phát hành sách TP ngày càng tiếp tục nâng cao hiệu quả, Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Hiếu đề nghị ngành cần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, in, phát hành gắn với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và sự cần thiết của việc đọc sách, học từ sách để có thêm tri thức, trình độ.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm các cơ sở in lậu sách, các vi phạm về bản quyền trong hoạt động xuất bản để tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị.

Tập trung xây dựng và khai thác các mảng đề tài có giá trị, cải tiến nội dung hình thức xuất bản ấn phẩm, nắm bắt xu thế để có phương thức xuất bản đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đọc của xã hội. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ trong xuất bản, công tác quảng bá xuất bản ấn phẩm trong tình hình mới…

Ngoài ra, Phó Bí thư Thành ủy TP còn đề nghị cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực in, phát hành phát triển, gắn kết chặt chẽ, song hành với lĩnh vực xuất bản. Tập trung đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công nghệ và chất lượng nhân lực để tạo ra những xuất bản phẩm không chỉ có nội dung tốt mà hình thức phải đa dạng, cuốn hút. Hoạt động in, phát hành sách phải gắn với bảo vệ môi trường…

Với truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành sách và những kết quả đạt được thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Hiếu tin tưởng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in, phát hành TP sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, góp phần khẳng định vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc.


Đại biểu phát biểu tại buổi họp mặt

Trong khuôn khổ buổi họp mặt, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong công việc; cũng như các kiến nghị, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, in, phát hành sách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bà Phan Thị Thu Hà – Giám đốc NXB Trẻ, cho biết đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức, NXB Trẻ với phương châm “khơi nguồn tri thức” nỗ lực tìm kiếm những đề tài mới, có tính du hóa, đặc biệt để tài về công nghệ, chuyển đổi số.

Theo bà, hiện nay Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP đã triển khai không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhưng mỗi nơi làm một kiểu không có sự thống nhất, không có tiêu chí rõ ràng, nơi đẹp, nơi sơ sài. NXB Trẻ đã có kế hoạch sẽ thiết kế nhiều mô hình mẫu về không gian văn hóa Hồ Chí Minh để giới thiệu đến các cơ sở, đơn vị, trường học, khu phố. 

Cạnh đó, việc trang bị bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh (loại 50 tập) vào trong thư viện trường THCS, THPT thời gian sử dụng đã lâu, nếu được, NXB Trẻ có thể trang bị lại cho các thư viện trường bộ sách mới in 4 màu; đồng thời giới thiệu cho các trường quốc tế để học sinh các nơi đó được tiếp cận với lịch sử Việt Nam.

Đến từ Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội cũng nêu ra nhiều đề xuất, trong đó ông đề xuất TP nên quan tâm và tạo điều kiện cho hoạt động khuyến đọc, nhất là đối với thế hệ trẻ. “Trong một xã hội mà nhu cầu đọc để học, nhu cầu xây dựng một xã hội học tập, học tập cả đời như hiện nay thì công tác khuyến đọc đang cấp bách và thực sự mang ý nghĩa quan trọng vô cùng”, ông Lê Hoàng nói.

N.Trinh

Bình luận (0)