Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nâng cao nhận thức về biển đảo trong hoạt động giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia cho thế hệ trẻ, không hẳn chỉ là những kế hoạch hoành tráng từ Trung ương hay những chiến dịch quy mô của các ban ngành mà là trách nhiệm cao quý của các thế hệ công dân Việt Nam. Trong phạm vi trường học, mỗi người thầy đều có thể góp sức vào hành trình dệt nên lòng yêu quý biển đảo quê hương trong từng hoạt động của quá trình dạy và học. Chẳng hạn, khi chia nhóm để học sinh thực hành hoặc thuyết trình, thầy cô có thể đặt tên các nhóm là Trường Sa, Hoàng Sa, Song Tử Tây, Côn Đảo, Phú Quốc… để tăng cường tính hiện diện về biển đảo quê hương trong không gian học đường. Trong các chương trình hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp, chúng ta lồng ghép các hội thi tìm hiểu hoặc trò chơi đố vui với các câu hỏi về lịch sử Trường Sa, Hoàng Sa, về tài nguyên biển đảo… Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa cũng có thể là một chủ đề vừa mang ý nghĩa thiết thực vừa tạo tính khơi gợi sáng tạo nếu trở thành đề tài để thực hiện báo tường hoặc các sản phẩm video, clip, các buổi văn nghệ… Đặc biệt, cần tránh quan niệm cho rằng chỉ khi dạy các môn khoa học xã hội mới có thể tuyên truyền những kiến thức về tiềm năng biển đảo, kinh tế biển đảo, chủ quyền biển đảo. Các môn tự nhiên, công nghệ hoàn toàn có thể kết hợp với câu chuyện biển đảo nếu người dạy bớt chút thời gian để lồng ghép vào các đơn vị bài học cụ thể. Ví dụ như vấn đề điện ở Trường Sa, cây xanh và hệ sinh thái ở đảo, du lịch biển đảo… Chúng tôi tin rằng, với tâm thế chủ động như vậy, thầy cô sẽ vun bồi cho các em học sinh tình cảm thiêng liêng về biển đảo quê hương, về ý thức chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng lãnh hải theo Công ước quốc tế về Luật Biển.

Trn Xuân Tiến (Trưng ĐH Văn Hiến)

Bình luận (0)