Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao sự phối hợp cấp cứu ngoại viện 115 cho các bệnh viện vùng ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 15-9-2023, tại Bệnh viện (BV) Đa khoa quốc tế S.I.S. Cần Thơ, Sở Y tế TP.Cần Thơ tổ chức hội thảo (HT) khoa học  “Nâng cao năng lực phối hợp cấp cứu ngoại viện 115 cho các bệnh viện vùng ĐBSCL”.


TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y Tế TP.Cần Thơ, phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự có ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ và hơn 100 đại biểu là các chuyên gia trong và ngoài nước; lãnh đạo các sở y tế, các BV đa khoa  tại TP.HCM và vùng ĐBSCL.

Cấp cứu ngoại viện (CCNV) còn gọi là cấp cứu ngoài cộng đồng, tức là nạn nhân sẽ được hỗ trợ bởi người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu. Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi đưa đến bệnh viện. Đó là giai đoạn quyết định sống chết của người bệnh. Do vậy việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.


Quang cảnh hội thảo

Phát triển hệ thống mạng lưới CCNV cũng giúp người bệnh có khả năng tiếp cận được chăm sóc y tế kịp thời. Do vậy CCNV được đưa vào luật khám, chữa bệnh 2023, được Quốc hội thông qua ngày 9-1-2023.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam mới có 11 tỉnh có trung tâm cấp cứu 115 công lập, 18 BV đa khoa tỉnh có tổ cấp cứu 115, 7 tỉnh có trung tâm cấp cứu tư nhân 115. Cả nước còn 27 tỉnh chưa có hệ thống cấp cứu trước viện. Nhìn chung, Việt Nam chưa có hệ thống nào chuẩn chỉnh với cấu trúc hợp lý cho cấp cứu ban đầu. Mặc dù hệ thống chăm sóc y tế đã có những bước phát triển đáng kể, tuy nhiên, việc tổ chức và xử lý cấp cứu ban đầu còn  gặp nhiều khó khăn và thiếu chuẩn mực.

Tại TP.Cần Thơ, trung tâm y tế vùng ĐBSCL, TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y Tế TP.Cần Thơ, cho biết: “Đến nay, cơ bản lực lượng cấp cứu ngoại viện đã có ở tất cả các tuyến. Tuy nhiên phần lớn các bác sỹ, điều dưỡng và ekip CCNV chưa được đào tạo bàn bản, còn thiếu các kỹ năng phán đoán và cấp cứu ngay tại cộng đồng… Ngoài ra mạng lưới CCNV chưa đồng bộ, thống nhất trong hoạt động. Đây cũng là một trong những hạn chế cần phải khắc phục và cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo”.


Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ và Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả

Với tham luận  “Mô hình hoạt động CCNV 115 tại TP.HCM”, BS.CKII Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu (TTCC) 115 TP.HCM, chia sẻ về quá trình hình thành của mạng lưới cấp cứu 115 của TP.HCM. Trực thuộc Sở Y Tế, TTCC 115 TP.HCM có chức năng cấp cứu, vận chuyển người bệnh, đồng thời thành lập hệ thống mạng lưới với 39 trạm vệ tinh; mạng lưới này tiếp nhận và điều phối cấp cứu, không bỏ sót cuộc gọi nào (mỗi ngày có từ 1.200 đến 1.500 cuộc gọi, trong đó hơn 120 cuộc gọi cấp cứu). Khi tiếp nhận điện thoại, nhân viên mạng lưới sẽ hướng dẫn sơ cứu cho bệnh nhân trong khi chờ xe cứu thương đến. TTCC 115 TP.HCM còn thiết lập quy chế phối hợp với các BV để cấp cứu bệnh nhân với thời gian sớm nhất.  Triển  khai ứng dụng công nghệ thông tin điều phối mạng lưới các Trạm. Đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng cấp cứu ngoài BV… Thời gian qua, việc  cải thiện hệ thống y tế ngoại viện đã giúp thành phố giảm 45% trường hợp tử vong, và điều chỉnh 35% số năm sống theo mức độ bệnh tật.


BS.CKII Nguyễn Duy Long – Giám đốc TTCC 115 TP.HCM, trình bày tham luận

TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc BV S.I.S Cần Thơ, chia sẻ: Xuất phát từ nhu cầu cấp cứu đột quỵ trong cộng đồng ngày càng gia tăng và đúc kết kinh nghiệm từ các nước phát triển… chúng tôi thành lập tổng đài hỗ trợ khách hàng nhằm tư vấn hỗ trợ cộng đồng những vấn đề liên quan đến đột quỵ như các dấu hiệu nhận biết đột quỵ? Khi bị đột quỵ thì làm thế nào? Cách sơ cứu tại nhà? Chuyển bệnh nhân đi đâu? Tư vấn chăm sóc dự phòng đột quỵ?… Tổng đài hoạt động từ 6h00 – 21h00/ngày; đối với cấp cứu thì hỗ trợ 24/24h. Từ khi thành lập đến nay tổng đài đã đóng góp quan trọng trong công tác cấp cứu đột quỵ ở khu vực miền Tây cũng như hỗ trợ thông tin cho người dân trong cả nước. Đến nay, tổng đài 1800 1115  đã tiếp nhận hơn 600.000 cuộc gọi; trong đó, năm  2022 là 220.000 cuộc gọi; 8 tháng năm 2023 có hơn 130.000 cuộc. Khi bệnh nhân cần cấp cứu trong địa bàn các tỉnh miền tây, chuyên viên  hướng dẫn bệnh nhân, kết nối với BV gần nhất, hoặc BV S.I.S. sẽ điều động đội cấp cứu đến nhà để hỗ trợ bệnh nhân.


TS.BS Trần Chí Cường –  Giám đốc BV S.I.S Cần Thơ, chia sẻ về mô hình tổng đài hỗ trợ khách hàng 1800 1115

“Trong công tác CCNV, ngoài các phương tiện vận chuyển,  BV bố trí nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cấp cứu và điều trị. Tổng đài 1800 1115 giúp tiết kiệm từng phút giây để bệnh nhân được cứu chữa nhanh nhất trong thời gian vàng. Hệ thống tổng đài được đầu tư kỹ thuật số, có thể nhận 6 cuộc gọi cùng lúc, cố gắng không bỏ sót cuộc gọi nào, nhất là khi bệnh nhân  bị đột quỵ; đồng thời có ghi âm cuộc gọi và nhận diện được người bệnh cũ qua số điện thoại họ gọi vào, bác sĩ dễ dàng xem lại hồ sơ của người bệnh trên hệ thống bệnh án điện tử giúp việc hỗ trợ người bệnh chính xác và nhanh nhất, đặc biệt là trong những tình huống cấp cứu”, TS.BS Trần Chí Cường cho biết thêm.

Các đại biểu tham gia HT đã thảo luận các vấn đề về CCNV… và thống nhất: Để khắc phục những khó khăn, ngành y tế các tỉnh, thành rất cần sự quan tâm hỗ trợ của  chính quyền các cấp và Sở Y tế địa phương. Mặt khác, CCNV đôi khi chưa cần đến nhân viên y tế mà lực lượng công an, người dân chỉ cần có kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu đúng cách cũng sẽ giúp người bệnh có cơ hội được cứu sống, giảm thiểu nguy cơ tử vong và các biến chứng. Do đó ngành y tế cần phối hợp Hội Chữ thập đỏ và các sở, ban, ngành đoàn thể tổ chức tập huấn cho các thành viên về công tác sơ cấp cứu, góp phần đáp ứng nhu cầu  xã hội về CCNV, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng người dân.

Đan Phượng

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)