Hai thành viên trong nhóm thực hiện báo cáo kết quả của dự án
Nhận thấy nhiều học sinh trong trường không có niềm say mê đọc sách hoặc đọc những quyển không phù hợp với lứa tuổi, các giáo viên thuộc Tổ toán Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai (Đồng Nai) cùng học sinh lớp 10 thực hiện dự án “Sách và những con số biết nói” nhằm tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Được sự giúp đỡ của thầy cô, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành khảo sát toàn thể học sinh trong trường với 6 câu hỏi xoay quanh những nội dung: Lợi ích của việc đọc sách? Tổng thời gian đọc sách trong tuần của bạn? Số cuốn sách bạn đọc trong một tháng? Loại sách mà bạn thích đọc nhất? Bạn thường đọc sách vào thời gian nào? Dành thời gian để đọc sách tốt hơn là lướt facebook?
Sau 2 tuần thực hiện, nhóm thực hiện dự án thu được một kết quả “biết nói” khi thời lượng đọc sách trung bình trong một tuần của các bạn chỉ 1,76 tiếng. Trong đó, số học sinh đọc sách từ 1 đến 2 tiếng chiếm 31,4%; từ 0 đến 1 tiếng chiếm 29,8%; từ 2 đến 3 tiếng chiếm 17,6%; từ 3 tiếng trở lên giảm dần. “Qua đó chứng tỏ nhiều bạn còn đọc sách đối phó, đa số chỉ đọc vào thời gian… đọc sách ở trường”, em Dương Đức Huy (trưởng nhóm thực hiện dự án) cho biết. Ngoài ra, nhóm còn thống kê được lượng sách mà học sinh đọc trong tháng. Theo đó, có 35,1% học sinh đọc 2 cuốn/tháng; 32,3% đọc 1 cuốn/tháng; 17,5% đọc 3 cuốn/tháng; rất ít học sinh đọc 5 cuốn sách/tháng. “Sách mà các bạn đọc nhiều nhất là sách kỹ năng (31,3%) và sách khoa học (11,7%). Một thông số đáng quan tâm hơn nữa là truyện ngôn tình chiếm tỉ lệ khá cao (13,9%) – vượt xa sách khoa học và gấp gần 3 lần sách tham khảo học tập. Đáng chú ý, các bạn còn có xu hướng đọc những cuốn sách không hữu ích như truyện ma, truyện cười, truyện trinh thám…”, Huy chia sẻ. Từ bất cập trên, nhóm thực hiện dự án đề nghị nhà trường tổ chức 1 khóa dạy học sinh kỹ năng đọc nhanh, hiểu lâu; tổ chức thêm nhiều hoạt động về sách và có giải thưởng nhằm khuyến khích các bạn tham gia. Bên cạnh đó, các giáo viên bộ môn nên giới thiệu những tài liệu tham khảo bổ trợ mà học sinh cần đọc; xây dựng thói quen đọc mọi lúc mọi nơi.
Đánh giá về dự án này, cô Nguyễn Thị Thu Quyên (Tổ trưởng Tổ toán) cho biết: “Đây là dự án thiết thực. Từ những con số trên, giúp cho nhà trường thấy được thực trạng của học sinh để thầy cô tìm ra những giải pháp kịp thời nhằm rèn luyện kỹ năng cũng như văn hóa đọc cho các em”.
Kiều Khánh
Bình luận (0)