Hội nhậpThế giới 24h

Nâng cao tự cường của ASEAN

Tạp Chí Giáo Dục

ASEAN nhất trí và kiên định không để khu vực trở thành nơi cọ xát quyền lực, mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng

Sáng 5-9, lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (Indonesia) với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và nhiều đại diện đối tác, tổ chức quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự lễ khai mạc.

Thương mại tăng trưởng ấn tượng

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh đoàn kết là giá trị trân quý mà tất cả các thành viên ASEAN trân trọng và giữ gìn.

 "Con thuyền ASEAN" đang tiến ra biển lớn, rộng mở với thế giới, hợp tác với các đối tác vì mục tiêu chung hòa bình, an ninh và ổn định. ASEAN nhất trí và kiên định không để khu vực trở thành nơi cọ xát quyền lực, mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng.

Tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 ngay sau đó, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết đà tăng trưởng kinh tế khu vực được giữ vững với dự báo tích cực đạt 4,6% trong năm 2023 và 4,9% năm 2024.

Thương mại của ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 15%, đạt 3.800 tỉ USD. Đầu tư đạt mức cao kỷ lục hơn 224 tỉ USD. Tuy nhiên, kinh tế khu vực vẫn tiềm ẩn rủi ro và chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực…

Nâng cao tự cường của ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Ảnh: VGP

Trước tình hình đó, ASEAN đang có những chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng số hóa và phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực và củng cố vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tạo những xung lực phát triển mới

Lãnh đạo các nước đã thảo luận và ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với những định hướng xuyên suốt xây dựng một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, xác lập khuôn khổ chiến lược cho sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn của ASEAN trong 20 năm tới.

Để giữ vững "ASEAN tầm vóc" và là "tâm điểm của tăng trưởng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải nâng cao tự cường của ASEAN thông qua đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông các dòng chảy thương mại và đầu tư.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ trưởng Kinh tế ASEAN chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, nâng cấp cũng như đàm phán mới các FTA giữa ASEAN với các đối tác, nhằm tạo những xung lực phát triển mới cho nền kinh tế khu vực. 

Trước thực trạng gia tăng cọ xát, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết để các đối tác tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, đối thoại và hợp tác thiện chí, tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc do các cơ chế của ASEAN đề ra.

Đánh giá cao các sáng kiến của Indonesia, Chủ tịch ASEAN 2023, về thúc đẩy kinh tế số, kinh tế biển xanh, an ninh lương thực, xây dựng hệ sinh thái xe điện và tự cường bền vững…, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến cho hợp tác khu vực. 

Dịp này, các nhà lãnh đạo thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố phát triển hòa nhập cho người khuyết tật, phát triển gia đình và bình đẳng giới, tăng cường an ninh lương thực, chăm sóc và giáo dục mầm non, Khuôn khổ về Hệ thống điều phối khẩn cấp y tế công cộng ASEAN…

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác tham dự phiên khai mạc Diễn đàn ASEAN – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với mục tiêu khơi mở tiềm năng và cơ hội tăng cường hợp tác, kết nối; tham dự Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN 43… 

Sáng 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ba Thủ tướng nhất trí tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác ba bên hiện có, trong đó có việc phối hợp sớm tổ chức Hội nghị Cấp cao về Tam giác Phát triển CLV lần thứ 12 và Cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội ba nước lần đầu tiên tại Lào trong năm 2023; đẩy mạnh giao lưu, tập huấn thanh niên và lãnh đạo trẻ; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư; đẩy mạnh hơn nữa kết nối ba nền kinh tế…
Theo Dương Ngọc/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)