Thị trường lao động ngoài nước đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn đối với lao động xuất khẩu. Việc nâng cao chất lượng lao động đi kèm với khẳng định uy tín của lao động Việt Nam cũng được xem là nhiệm vụ “nóng” hiện nay.
Chú trọng tay nghề, trình độ
Để cạnh tranh với các nước XKLĐ khác thì việc nâng cao chất lượng nguồn lao động là quan trọng nhất. Ông Tạ Quang Minh, Trưởng phòng xuất khẩu lao động của Công ty Saigon Tourist tại TP.HCM cho biết, theo dự báo thì tình hình XKLĐ 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng đưa khoảng 500 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaixia và các nước Trung Đông. “Nhu cầu tuyển dụng của thị trường vẫn cao nhưng quan trọng là người lao động có đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường hay không?”, ông Minh nói.
Dù thị trường lao động ngoài nước vẫn chấp nhận một bộ phận lao động giản đơn, chưa qua đào tạo nghề hoặc trình độ thấp, nhưng hiện nay hầu hết thị trường đều gia tăng đòi hỏi về nhu cầu lao động tay nghề cao. Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những lao động có tay nghề cao dễ được tuyển chọn hơn trong việc cấp phép cho lao động đi làm việc tại nước ngoài. Họ không chỉ căn cứ vào bằng cấp, chứng chỉ của các cơ sở đào tạo trong nước mà năng lực của lao động phải được xác định thông qua hệ thống tuyển lựa, kiểm tra, đánh giá của phía đối tác nước ngoài.
Theo ông Trào, muốn mở rộng cơ hội cho người lao động Việt Nam được sang nước ngoài làm việc, phải nâng cao tay nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam nên hợp tác với một số trường dạy nghề và ngược lại để có những chương trình đào tạo phù hợp cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần bám sát, dự báo được nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước về ngành nghề, trình độ đào tạo…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Ngoài đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề cần phải chú trọng đào tạo ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của nước tiếp nhận, nhất là ngôn ngữ giao tiếp trong làm việc và sinh hoạt hàng ngày; tăng cường phổ biến các quy định pháp luật và phong tục tập quán văn hóa của nước tiếp nhận lao động… Bên cạnh đó, thường xuyên đổi mới hình thức đào tạo để phù hợp với từng đối tượng và từng nước tiếp nhận.
Ghi nhận của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo của các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam sang Nhật hiện nay đã phối hợp với các tổ chức tiếp nhận lao động để cử giáo viên và người quản lý người Nhật cùng tham gia đào tạo, rèn luyện ứng viên, tạo cho ứng viên quen với phong cách làm việc của phía Nhật Bản. Cách làm này được cả người lao động và phía tiếp nhận lao động đánh giá rất cao.
Ngăn ngừa tình trạng làm việc bất hợp pháp
Thời gian qua, có không ít trường hợp lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaixia tự ý bỏ việc, hoặc làm việc bất hợp pháp. Điều này ít nhiều cũng làm giảm uy tín của người lao động Việt Nam trên các thị trường lao động.
Để giảm thiểu tình trạng bỏ trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, các doanh nghiệp phái cử lao động sang Nhật đang thực hiện nhiều biện pháp. Chẳng hạn, không tuyển ứng viên từ những địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao; ưu tiên tuyển chọn những ứng viên được các thực tập sinh kết thúc hợp đồng giới thiệu; tổ chức kiểm tra nhân thân chặt chẽ; thông báo và tuyên truyền cho gia đình thực tập sinh về quy định của tổ chức phái cử, bảo đảm sau khi thực tập sinh về nước có việc làm.
Việc thông tin cho người lao động và dư luận xã hội về chủ trương đi làm việc tại nước ngoài cũng cần được quan tâm đẩy mạnh. Theo ông Tạ Quang Minh, để nâng vị thế của người lao động Việt Nam đối với thị trường lao động nước ngoài, người lao động không những cần được đào tạo về tay nghề, ngoại ngữ mà còn cần hiểu rõ chính luật lao động của thị trường mà người lao động hướng tới.
“Trước khi đưa người lao động sang nước ngoài làm, chúng tôi sẽ phổ biến những kiến thức luật pháp về luật lao động của các thị trường cho người lao động hiểu và nắm vững luật lao động của các nước sở tại”, ông Minh khẳng định.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc giúp người lao động và dư luận xã hội hiểu rõ các nguy cơ của việc vi phạm các quy định của pháp luật và vi phạm hợp đồng như bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước không những cần thiết đối với bản thân người lao động mà còn giúp giữ vững thị trường lao động ngoài nước.
Mạnh Minh
Báo tin tức
Bình luận (0)