Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Nâng cao vai trò giáo viên và kỳ vọng tân Bộ trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Sự kiện ngành GD-ĐT có tân Bộ trưởng vào cuối tuần qua nhiều người công tác trong ngành đã biết. Nhưng điều khiến họ tỏ ra náo nức là khi trả lời báo chí tân Bộ trưởng khẳng định, nhân tố quyết định đến sự nghiệp phát triển giáo dục không phải là chương trình, sách giáo khoa hay ngân sách chi cho giáo dục mà là đội ngũ giáo viên.

Tân Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong thời gian tới là: “Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người”.

Tân Bộ trưởng nhấn mạnh không có đội ngũ giáo viên thì không thể thực hiện được nhiệm vụ trên. “Quyết định sự thành bại của sự nghiệp này là ở nhân tố con người. Do vậy, để triển khai kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, trước hết phải tính đến nhân tố giữ vai trò quyết định này”- tân Bộ trưởng nói.

Đề cao vai trò quan trọng của giáo viên trong sự nghiệp trồng người được hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến thực hiện. Ngày nay nhiều nước luôn nhấn mạnh giáo viên là lực lượng nòng cốt của hệ thống giáo dục. Không có giáo viên thì sẽ không có sự nghiệp giáo dục và phát triển xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế ngày càng dựa trên nền tảng tri thức thay vì nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Ngày nay tài nguyên con người – sản phẩm của giáo dục – quyết định đến sự phát triển xã hội.

Ở Việt Nam, từ xa xưa ông bà ta cũng đã nhận ra vai trò quan trọng của nhà giáo qua câu thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên”, “Lương sư hưng quốc”…

Xác định vai trò quan trọng của nhà giáo, xã hội cần tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để nhà giáo làm tốt chức năng của mình. Bởi vì một khi năng lực của nhà giáo được giải phóng thì sự đóng góp của họ cho nền giáo dục là vô tận. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng hiện còn quá nhiều giáo viên vẫn đang giảng dạy trong những điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Trên bục giảng, giáo viên chưa thật sự được khuyến khích nâng cao tính sáng tạo mà chủ yếu dạy theo chương trình, sách giáo khoa như một người truyền văn bản. Đồng thời, họ cũng chưa được tham gia vào các quyết sách giáo dục mà họ là những người trong cuộc. Và cuối cùng, họ chưa được đãi ngộ tương xứng, thể hiện ở mức lương nghèo nàn, vị trí xã hội thấp.

Hệ quả là nghề giáo không còn là lựa chọn số một của thanh niên. Người giỏi không muốn vào trường sư phạm. Mặt khác, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận giáo viên hiện chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đi lòng nhiệt huyết và chuẩn mực đạo đức đã ít nhiều làm xấu đi hình ảnh người thầy.

Nâng cao vai trò, vị trí giáo viên trong xã hội là điều phải làm ngay nếu muốn chấn hưng giáo dục. “Việc nâng cao chất lượng giáo viên và tăng cường hỗ trợ giáo viên là vô cùng quan trọng để đảm bảo cho mọi người học có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng”. Đây là thông điệp của UNESCO phát đi trong Ngày Nhà giáo Thế giới 5-10-2015 vừa qua.

Và đó là một việc khó khăn mà các vị bộ trưởng tiền nhiệm còn bỏ dở, nhưng chúng ta có thể kỳ vọng ở quyết tâm của Bộ trưởng mới. “Một dân tộc hiếu học, trọng học, một đất nước mà mỗi gia đình sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho việc học hành của con cái thì không có lý do gì để chúng ta không có một nền giáo dục xứng tầm” –  tân Bộ trưởng nói.

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)