Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nâng cao văn hóa đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Các thành viên trong câu lạc bộ làm bookmark sau khi chia sẻ cảm nhận của mình

Trong không gian ấm cúng của một quán trà sữa nằm trên đường D5 (quận Bình Thạnh), gần 50 bạn trẻ đến từ nhiều trường ĐH khác nhau đã có buổi bookshare (tọa đàm về sách) thật ý nghĩa khi mỗi người chia sẻ cảm nhận của mình về nội dung các mẩu chuyện trong sách.
Đây là hoạt động hướng về văn hóa đọc đầu tiên do Câu lạc bộ Sinh viên quốc tế (IYC) tổ chức vừa qua.
Cảm nhận về sách
Nếu biết trăm năm là hữu hạn là một cuốn sách mới của tác giả Phạm Lữ Ân, phản ánh rõ những cung bậc khác nhau trong tình cảm con người, đặc biệt là giới trẻ. Trong cuốn sách này có 40 truyện ngắn với tên gọi rất quen thuộc trong đời sống thường nhật như: Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi hay Như chờ tình đến rồi hãy yêu, Dư vị từ những tình bạn nhạt nhòa… đã lay động không ít trái tim đôc giả. Bằng giọng văn mộc mạc, giản dị, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi sâu vào những cảm nhận khác nhau về cuộc đời, về tình yêu, về bạn bè… trong cái nhìn tỉnh táo để giúp họ nhận thức về cuộc đời sâu sắc hơn.
Nhận thấy những giá trị hữu ích mang lại cho các bạn trẻ, những thành viên trong Ban tổ chức đã quyết định chọn quyển sách này mở màn cho chuỗi hoạt động bookshare. Gần 50 bạn trẻ chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm sẽ thuyết trình về một câu chuyện và cùng nhau thảo luận các chủ đề như: Có nên chờ đợi tình yêu hay không, hay có nên bắt người mình yêu thương phải thay đổi?… Sau khi đọc nội dung các mẩu chuyện, rất nhiều ý kiến được đưa ra như trong tình yêu không nên chờ đợi mà cần phải nắm bắt cơ hội chứ ngồi đợi chờ hoài sẽ rất phí thời gian bởi thời gian thì có hạn. Hay ý kiến khác thì nghĩ rằng tác giả muốn nhắn nhủ với chúng ta là đừng nóng vội khi yêu, đừng vì ích kỷ cá nhân để rồi làm tổn thương đến người khác bởi chắc gì người khác đã thực sự yêu mình chứ chờ đợi ở đây không phải là chờ đợi về mặt thời gian…
Những ý kiến trái chiều này đã làm cho không gian buổi bookshare trở nên nhộn nhịp hơn, bạn này vừa hỏi bạn khác đã trả lời, hay bạn kia vừa đưa ra ý kiến thì đã có ý kiến khác phản bác trở lại. Cao Nguyên Thảo (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM – thành viên Ban tổ chức) nhận nhiệm vụ trang trí và điều phối chương trình, chia sẻ: “Chúng em đã đọc và tham khảo nhiều ý kiến, sau đó in một số mẩu chuyện mà nhiều bạn trẻ sẽ trăn trở, thắc mắc để các bạn cùng nhau chia sẻ. Mới buổi đầu thực hiện nhưng chúng em thấy các bạn rất mạnh dạn để nói lên suy nghĩ tính cách của mình qua từng câu chuyện, từ đó gợi sự tò mò để người chưa đọc sẽ tìm hiểu và đọc cuốn sách này”.
Nhiều kinh nghiệm sống hữu ích
Đến với buổi bookshare, bạn trẻ không chỉ đọc sách mà còn nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình về cách ứng xử trong cuộc sống thực tế, từ đó nhiều bạn sẽ rút ra cho mình những bài học hết sức bổ ích.
Nguyễn Hữu Hiển (sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết: “Em tham gia nhóm gần nửa năm nay, nhóm thường tổ chức các hoạt động từ thiện. Đây là lần đầu tiên nhóm mở bookshare nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Đến đây, chúng em thấy cách cảm nhận của mỗi người đều có sự phong phú, đa dạng nên học được nhiều cách sống đẹp. Bên cạnh đó, đây cũng là buổi giao lưu để tất cả mọi người học cách nói chuyện, hòa đồng giữa đám đông”.
Không chỉ học hỏi được kinh nghiệm sống mà qua cách trao đổi với nhau, các bạn còn rút ra cho mình khá nhiều kỹ năng. Nguyễn Hoàng Yến (sinh viên năm thứ 2 Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế – Luật) dù từ trường (quận Thủ Đức) đến với buổi tọa đàm này mất hơn 30 phút ngồi trên xe buýt nhưng vẫn phấn khởi kể: “Tham gia vào hoạt động này em mở rộng mối quan hệ và phát huy thêm nhiều kỹ năng. Đây là không gian ý nghĩa cho những người yêu thích đọc sách bởi họ có cơ hội nói lên quan điểm của mình. Ngoài ra, trong lúc chia sẻ tụi em còn phải bảo vệ quan điểm của mình, từ đó học thêm nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng làm việc nhóm…”.
Ngoài phần đọc và chia sẻ các nội dung trong sách, câu lạc bộ còn tổ chức thư giãn bằng chương trình văn nghệ giữa giờ hay làm bookmark bằng giấy để tạo ra một cành hoa xinh xắn cho bạn trẻ giữ trang sách gọn gàng, xinh xắn.
Bài, ảnh: Dương Bình
Đoàn Thị Tố Quyên (sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, tham gia IYC 3 năm) – Trưởng ban tổ chức buổi bookshare – cho biết: Văn hóa đọc ngày càng bị hạn chế bởi các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn đến internet, smartphone… Hơn nữa, mọi người thường bận rộn đi làm, đi học nên không có nhiều thời gian đọc sách. Vì vậy, câu lạc bộ tổ chức hoạt động này nhằm giúp các bạn trẻ cùng nhìn lại các nội dung của những cuốn sách dễ tiếp cận với giới trẻ, từ đó chia sẻ kinh nghiệm, quan niệm sống với nhau. Câu lạc bộ dự tính mỗi tháng tổ chức một buổi bookshare và sẽ mở rộng quy mô nếu ngày càng có nhiều thành viên tham gia. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)