Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa ký ban hành đề cương tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ đối với học sinh, sinh viên theo chủ đề năm 2009. Theo đó, các cơ sở đào tạo cần hướng dẫn học sinh, sinh viên hiểu rõ Luật Giao thông đường bộ, trọng tâm là các quy tắc giao thông đường bộ phù hợp với từng cấp học, quy định về việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở khi điều khiển mô tô, xe gắn máy.
Các em học sinh chạy xe như thế này là vi phạm Luật Giao thông đường bộ |
Trẻ dưới 7 tuổi ra đường phải có người dẫn
Với đề cương chi tiết, Bộ trưởng chỉ đạo ngành giáo dục cả nước tiến hành phổ biến cho học sinh, sinh viên các kiến thức nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Song song đó, cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải và cần cho học sinh, sinh viên biết được hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi vi phạm. Đồng thời giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Nội dung tuyên truyền, phổ biến đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở gồm: đi bộ an toàn, đi xe đạp an toàn, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Hướng dẫn học sinh phải đi bộ trên vỉa hè, lề đường, không đi bộ dưới lòng đường, không vượt qua dải phân cách, qua đường tại những nơi có đèn tín hiệu, nơi có vạch đi bộ qua đường. Hướng dẫn học sinh biết cách qua đường tại những nơi không có đèn tín hiệu, vạch đi bộ qua đường. Riêng trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường ở nơi đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại thì tuyệt đối phải có người lớn dắt. Học sinh khi đi xe đạp không được đi dàn hàng ngang; phải đi đúng phần đường, làn đường dành cho xe đạp, không đi ngược chiều; không mang vác, chở cồng kềnh, sử dụng ô khi đi xe đạp… Phổ biến các quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với mọi người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; cài quai mũ bảo hiểm đúng quy cách để phòng tránh nguy cơ chấn thương sọ não khi xảy ra TNGT. Hướng dẫn học sinh nhận biết các quy định về làn đường, phần đường dành cho người đi bộ hoặc xe thô sơ, tín hiệu đèn giao thông. Đối với học sinh trung học phổ thông thì tập trung tuyên tuyền quy định về độ tuổi của người lái xe. Đồng thời, phổ biến quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với độ tuổi của người lái xe: đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi – lanh dưới 50 cm3; đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xi – lanh từ 50 cm3 trở lên; phổ biến quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các lỗi vi phạm học sinh thường mắc phải.
Huy động các tổ chức đoàn thể trong trường cùng tham gia
Với học sinh, sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cần biết về quy tắc giao thông đường bộ, trong đó tập trung tuyên truyền quy tắc giao thông đường bộ đối với người đi xe đạp và mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Trong đó, nội dung chính là cảnh báo các hành vi vi phạm phổ biến khi tham gia giao thông: điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường quy định; không thực hiện đúng hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu giao thông; điều khiển mô tô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; mức xử phạt hành chính tương đương với từng hành vi vi phạm. Phổ biến các quy định mới về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe ô tô; cảnh báo các nguy cơ tai nạn giao thông khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định; chế tài xử phạt nếu vi phạm…
Phương pháp tuyên truyền, phổ biến phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm và điều kiện của từng trường. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong trường, gia đình học sinh và phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục an toàn giao thông trong chương trình giảng dạy theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng bậc học; lồng ghép trong các môn học. Ngoài ra, thông qua các hoạt động của nhà trường, của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể khác.
Ngoài kế hoạch thực hiện công tác giáo dục ATGT thường xuyên, các trường cần tập trung tuyên truyền theo các chủ đề đối với các trường phổ thông thực hiện trong tháng 9 năm 2009. Đối với các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp: thực hiện trong tháng 6 năm 2009 và Tuần sinh hoạt công dân – học sinh, sinh viên đầu năm học 2009-2010.
Huỳnh Xuân
Bình luận (0)