Học sinh đang tham gia trò chơi đi xe đạp chậm. Ảnh: I.T |
Ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông (ATGT) của học sinh, sinh viên (HSSV) còn chưa cao, nạn ùn tắc giao thông trước cổng trường, hiện tượng HS chưa đủ 18 tuổi đi xe máy “chui” và các khách quan khác là những nguyên nhân dẫn tới tình hình giáo dục ATGT trong học đường chưa khả quan.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt – Bộ Công an, số vụ tai nạn, số người chết, bị thương trong 6 tháng đầu năm 2012 có giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT còn nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, cả nước đã xảy ra 17.557 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.758 người và bị thương 19.818 người. So với cùng kỳ năm 2011 giảm 4.879 vụ (21,75%), 960 người chết (16,69%) và 5.481 người bị thương (21,63%).
Ý thức chấp hành chưa cao
Theo số liệu từ Phòng CSGT đường bộ TP.HCM, năm học 2011-2012 toàn thành phố có 891 HS có tên trong danh sách vi phạm ATGT. Trong đó vi phạm tập trung ở các lỗi như đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách… Hiện nay, tình hình trật tự ATGT ở TP.HCM hết sức phức tạp. Tình trạng nhiều HSSV thiếu ý thức tổ chức đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đã có rất nhiều trường hợp HSSV là thủ phạm gây ra TNGT, làm thiệt hại đáng kể về người và của. Chị Huỳnh Thị Bé Ren, Trợ lý thanh niên Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết: “Tuy trường không có tên HS trong danh sách “sổ đen” của Phòng CSGT đường bộ nhưng thực tế là có tình trạng HS chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Nhiều HS chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn sử dụng xe phân khối lớn để tới trường. Các em thường gửi xe ở các bãi bên ngoài, nhà dân; nhà trường không kiểm soát và xử lý hết được”. Bên cạnh đó, nhiều HS đi học bằng xe đạp cũng thường đi thành hàng 2, hàng 3, gây cản trở giao thông trên đường phố.
Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết, trong năm 2011 tỉnh này đứng đầu cả nước về số vụ TNGT vì có nhiều quốc lộ chính đi qua. Nhiều gia đình còn khuyến khích con đi học bằng xe máy, thậm chí xem đây là phần thưởng, là “mồi câu” để con tới trường. Đường sá rộng rãi, nhiều phương tiện giao thông đi lại trong khi HSSV lại chưa có đủ kiến thức về Luật ATGT đã dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua. “Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã triển khai một số biện pháp giáo dục, xử lý đối với trường hợp HSSV vi phạm nhưng không tác động được là bao”, bà Huỳnh Thị Lệ Giang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh khẳng định.
Đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT
Tại hội thảo bàn về thực trạng và giải pháp giáo dục ATGT trong nhà trường khu vực phía Nam, Đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt khu vực phía Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, công tác giáo dục ý thức người dân chấp hành luật khi tham gia giao thông vẫn chưa đạt được kết quả tốt, vì vậy đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong trường học là vấn đề cấp bách”. Và để công tác này đạt hiệu quả, ông Tuấn đề nghị các trường nên thành lập đội ATGT, đồng thời phối hợp với CSGT và các ngành liên quan có biện pháp tuyên truyền, răn đe, xử phạt nghiêm để từng bước ổn định lâu dài. Trong đó, đội ngũ giáo viên và CSGT là hai lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền Luật Giao thông đến từng đối tượng HSSV. Trong thời gian tới, Ban ATGT TP sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, tập trung xóa các tụ điểm mua bán lấn chiếm lòng, lề đường trước các cổng trường, cương quyết xử phạt nặng các hành vi vi phạm ATGT, nhất là không đội mũ bảo hiểm…
Bà Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho rằng muốn đạt được kết quả tốt trong tuyên truyền giáo dục ATGT thì phải thực hiện có hiệu quả lâu dài chứ không thể làm cho có như trong thời gian vừa qua. Kiến nghị của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp là các ngành chức năng tăng cường các hướng dẫn xử lý đối với HSSV vi phạm Luật ATGT, nội dung giáo dục trọng tâm cho các em không nên đưa quá nhiều chương trình dàn trải. Riêng tại TP.HCM, công tác giáo dục ATGT với HSSV cũng có nhiều nét riêng vì đặc thù là một thành phố đông dân cư. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: Bên cạnh các nội dung giáo dục ATGT trong chương trình học, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, sở còn chỉ đạo các trường đưa nội dung này vào tiết sinh hoạt dưới cờ, giờ sinh hoạt chủ nhiệm, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức hoạt động ngoại khóa cho các em như cuộc thi “Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông”, thi tìm hiểu Luật Giao thông… Về mặt “kỹ thuật”, sở đã phối hợp với lực lượng dân phòng, CSGT đóng chốt tại các tuyến đường hay ùn tắc trong giờ cao điểm, thực hiện “lệch giờ, lệch ca” đối với các cấp học, các trường trên cùng một tuyến đường. Nhiều trường học tùy theo thực trạng, vị trí của đơn vị mà đưa ra giải pháp thích hợp như Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3) tổ chức phân luồng cho phụ huynh đón con ngay tại sân trường, Trường THPT Lương Văn Can phát động HS đi xe đạp, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tổ chức cho HS nói chuyện với CSGT… Chính vì vậy, tình hình ATGT tại các trường học trên địa bàn TP.HCM tương đối ổn định. Ý thức chấp hành Luật ATGT của HSSV đang ngày càng được nâng cao.
Tường Vy
Bình luận (0)