Chấp hành tốt Luật Giao thông sẽ tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ảnh: I.T
|
Chen nhau từng centimet, lấn từng chút, bấm còi inh ỏi, cãi vã, vừa chạy xe vừa nghe nhạc, vừa lái xe vừa chụp ảnh… Ý thức người tham gia giao thông chưa thật sự tốt để rồi nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.
Những chuyện chưa bao giờ cũ
Ngay ngã tư Lũy Bán Bích và Thoại Ngọc Hầu mỗi sáng đều có loa hướng dẫn luật tham gia giao thông nhưng người tham gia giao thông vẫn không chấp hành. Vẫn có tình trạng dừng đèn đỏ không đúng vạch quy định. Trên nhiều tuyến đường như Hoàng Văn Thụ có treo băng rôn “Nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông” nhưng cũng không thấy ai nhường nhịn nhau. Xe trước thắng gấp, xe sau ủi trúng biển số là nhảy xuống gây nhau. Thậm chí chưa thấy hả dạ xe sau còn bám theo cả kilômét để chửi. Người đi ngược chiều mắng người đi đúng chiều “có mắt không nhìn à?” Khi tham gia giao thông không cần biết đúng sai cứ ai lớn tiếng hơn là người đó… đúng.
Khi thấy đã chuyển đèn vàng thì hạn chế tốc độ nhưng người tham gia giao thông lại phóng nhanh hơn vào đến giao lộ hai xe tông nhau, ai cũng cãi… mình đúng luật. Dừng đèn đỏ người tham gia giao thông không dừng đúng vạch mà trước hay sau cũng cố giành vượt qua vạch trắng 1-2m để đèn xanh bật lên là phóng vù đi.
Chị Linh (Q.Tân Phú) kể, chị đi qua ngã tư Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Đạo có hai thanh niên phóng vù vào giao lộ theo hai hướng khác nhau. Họ đụng trúng nhau. Một thanh niên bị nhẹ hơn đứng dậy trước quát lớn còn chỉ tay lên phía đèn đỏ hùng hổ, “mày không thấy đèn đỏ à?”. Cậu thanh niên kia bị nặng hơn lồm cồm bò dậy dựng xe rồi đi. Những ai chứng kiến hôm đó cũng đồng ý rằng cậu thanh niên hùng hổ kia đã cố tình vượt khi đèn đỏ đã bật.
Dù có rào chắn hay dải phân cách ngắn nhưng người tham gia giao thông vẫn cố tình đi ngược chiều. Nhường nhịn nhau thật là một vấn đề “xa xỉ” chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ ý thức của người dân còn rất kém. Hơn hết trong mỗi chúng ta ai cũng ý thức được hiểm họa từ tai nạn giao thông là không báo trước được thế nhưng người dân lại “lười” chấp hành hay phớt lờ không chú ý tới, phó mặc cho trời kiểu sống chết có số, trời gọi thì thưa.
Cần nghiêm túc trong việc tuyên truyền
Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông không phải dễ, ngoài việc xử phạt nghiêm thì việc tuyên truyền cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Ngay từ việc treo băng rôn hay đặt bảng hướng dẫn. Băng rôn treo lệch khuất trong tán cây. Bảng hướng dẫn luật bị móp méo, biến dạng, cong vòng lại còn được “núp” trong cây dù của người bán hàng rong che khuất tầm nhìn người đi đường.
Một câu hỏi được đặt ra, phải có giấy phép lái xe thì mới được phép điều khiển phương tiện đồng nghĩa với người dân được học luật nhưng vẫn phạm luật. Để giao thông thôi hỗn loạn thì mỗi người dân nên tự ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông. Đi đúng làn đường, đậu dừng đúng nơi quy định và nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông.
|
Cần giáo dục giao thông trong nhà trường để các em sớm nhận thức. Chị Hạnh (Q.8) chia sẻ, có lần tôi chở đứa con trai 8 tuổi đi nhà sách mua dụng cụ học tập. Dừng đèn đỏ nhưng tôi vẫn cố len lên trước. Tôi hài lòng vì tôi đã đậu ngay trên vạch quy định. Không cần nhìn đèn, đèn đỏ còn vài giây là người sau đã bóp còi inh ỏi thế là phóng đi thôi. Con trai tôi chợt nói, ở trường cô con dạy không được đứng trước vạch trắng, mẹ sẽ bị các chú cảnh sát phạt đấy. Khi ấy tôi muốn lùi lại nhưng phía sau đã có rất nhiều xe.
Thế nhưng, có nhiều trường hợp nhiều em học sinh đang còn khoác trên mình đồng phục có phù hiệu THPT vừa dắt xe 100 phân khối ra khỏi cổng trường là nẹt pô, kéo cái èo phóng vù đi. Trong trường học hằng năm đều có tổ chức tìm hiểu về an toàn giao thông cho học sinh. Ở cổng trường cũng treo băng rôn với ý nghĩa một ý thức giao thông triệu nụ cười hạnh phúc nhưng học và hành chưa thật sự đi đôi với nhau.
Xe đạp và người đi bộ còn chủ quan, cứ vô tư luồn lách đi ngược chiều gây khó khăn cho người đi xe gắn máy. Tình trạng này phổ biến ở những tuyến đường có nhiều cửa hàng quần áo khiến việc lưu thông trở nên kẹt cứng. Điều đáng nói nhiều người tham gia giao thông nhưng không chịu quan sát biển báo rẽ không đúng quy định. Dù có biển báo cấm rẽ trái hướng Nguyễn Thị Minh Khai qua CMT8 nhưng nhiều người vẫn cứ rẽ trái. Đến khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt mới tá hỏa.
Phạm Quyên
“Bộ mặt của văn hóa đô thị”
ThS. Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn Việt Nam học Trường ĐH Tôn Đức Thắng – TP.HCM) cho rằng: “Văn hóa giao thông đã trở thành vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của các ngành các cấp, của dư luận xã hội trong tình hình tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, gây ra những thảm họa khôn lường cho người dân, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu hội nhập của đất nước. Ủy ban ATGT quốc gia đã khẳng định: “Văn hóa giao thông chính là nền tảng để tạo nên một trật tự an toàn giao thông bền vững, một môi trường giao thông thân thiện nhân ái và xây dựng văn hóa giao thông là một phần quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Bởi lẽ, văn hóa giao thông chính là “Bộ mặt của văn hóa đô thị” và hơn hết nó là “Thước đo về văn hiến của dân tộc”.
T.G
|
Bình luận (0)