Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nâng cấp CĐ lên ĐH: SV chỉ được “mác”, còn chất lượng thì…

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi “chiếc áo” trường mầm non quá chật, không đáp ứng được yêu cầu thì số lượng các trường ĐH đang ở mức… thừa.

Xã hội chưa quên những hình ảnh xếp hàng mua hồ sơ cho con vào học mầm non. Việc lo cho con hay cháu vào một trường mầm non, phụ huynh và ông bà thay nhau túc trực để mua hồ sơ, mong cho con cháu được vào môi trường học tập đầu đời với chất lượng tốt nhất. Và cũng hằng năm, xã hội lại “dỏng tai” đón chào nhiều tên trường đại học mới toanh.
Những trường mới thành lập gọi là “đại học” (ĐH) chủ yếu được nâng cấp lên từ cao đẳng (CĐ). Do vậy, chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) ngày một giảm, kèm theo đó số lượng trường ĐH tăng và tất nhiên chất lượng sẽ khó kiểm soát.
Thiếu trường mầm non, những cảnh chờ đợi xếp hàng để cho con được vào học đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại những thành thị, trong khi đó các trường đại học lại được mở ra ồ ạt và khó kiểm soát được chất lượng. Ảnh minh họa
Bất cập trong hiện tượng này ở chỗ, ngành học mầm non được coi là gốc gác, là nền móng của một “công trình” thì lại không được đầu tư đúng mức, trong khi đó “cái ngọn” ĐH cứ thế vươn dài và dần khó kiểm soát hơn.
2 tuần lại có 1 trường ĐH ra đời
Theo “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII thì, từ năm 1998 đến năm 2009 đã có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập. Nghĩa là trung bình cứ 2 tuần, lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Kết quả, tính đến tháng 9/2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ.
Số trường ĐH tăng chủ yếu là do nâng cấp từ CĐ lên, còn các trường mới thành lập thì rất ít, trong đó, các trường NCL chỉ có 77 trường mới thành lập.
Riêng hai năm 2010-2011 đã có khoảng 20 trường ĐH được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trường CĐ hoặc thành lập mới và nhiều trường ĐH đang trong quá trình xem xét cho thành lập.
Từ năm 2006 đến nay, theo báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 269/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010-2012, có 84 trường được thành lập, nâng cấp từ CĐ lên ĐH là 51 trường (chiếm 61%), thành lập mới 33 trường (39%).
Theo đề nghị của Phó Thủ tướng, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo; đồng thời có cơ chế giám sát, đẩy mạnh kiểm định chất lượng GDĐH. 
Tuy nhiên, hứa hẹn về cơ quan kiểm định chất lượng ĐH đang ở "thì tương lai": Bộ GD – ĐT đã dự kiến trong ba năm, kể từ 2010, phải cho ra đời được ba đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Nay, đã gần hết năm 2011 vẫn chưa hình thành được đơn vị nào.
Việc nâng cấp “lỏng tay” của những trường CĐ hiện nay được đánh giá là dễ dãi. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải thẳng thắn thừa nhận rằng, số lượng trường ĐH được nâng cấp từ CĐ trong thời gian qua là quá nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc chất lượng đào tạo của các trường ĐH mới nâng cấp sẽ kém đi.
GS Hạc vạch ra 5 điều kiện đầu vào để có được chất lượng đào tạo tốt khi muốn nâng cấp, đó là: Người dạy, người học, trường lớp, tài liệu (SGK dạy và học) và thiết bị cho những ngành kỹ thuật, những điều kiện này tại các trường ĐH mới nâng cấp hầu như không rõ ràng và kém chất lượng.
GS Phạm Minh Hạc cho rằng, việc nâng cấp các trường từ CĐ lên ĐH dẫn đến chất lượng đào tạo kém, khó quản lí và kết quả chỉ là cái mác mà sinh viên được hưởng. Ảnh Xuân Trung
Trong 5 điều kiện trên, theo GS Hạc quan trọng nhất là người dạy và người học. Nếu các trường được nâng cấp sẽ dẫn đến trình độ của người dạy quá non kém và những người có trình độ đôi khi lại về hưu sớm, đó là một bất cập.
Hơn nữa, điểm đầu vào của những trường được nâng cấp thường rất thấp cộng với tinh thần tự học của sinh viên yếu sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo kém. “Tại những trường ĐH mới được nâng cấp từ các trường CĐ, sinh viên muốn tự học cũng không có tài liệu, tài liệu chủ yếu là tiếng nước ngoài, mà trình độ ngoại ngữ của sinh viên thì không đủ để đọc sách” GS Hạc cho biết.
Có một thực tế, khi nâng cấp các trường CĐ lên ĐH rất ít các trường mở những ngành kỹ thuật do phải đầu tư bước đầu tốn kém, chủ yếu mở các ngành mà chỉ cần giảng đường và chiếc micro như: Quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, ngân hàng… GS Hạc cho rằng, căn cứ vào 5 điều kiện trên thì ai cũng thấy chất lượng GDĐH đang đi xuống.
Càng nở rộ cơ chế Xin – cho
GS Phạm Minh Hạc cho rằng, Đại hội XI nêu rất rõ về việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tốt nghiệp đai học trở lên, là rất đúng. Nhưng theo GS Hạc, ở tình hình hiện tại sẽ rất khó thực hiện và rất xa so với yêu cầu, nguyên nhân là do càng mở nhiều trường, càng đưa CĐ lên ĐH thì chất lượng càng giảm sút.
Rõ ràng, việc nâng cấp từ CĐ lên ĐH đã quá dễ dãi, GS Phạm Minh Hạc thẳng thắn rằng: “Ngay trong việc mở trường và nâng cấp từ CĐ lên ĐH đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của cơ chế xin – cho và đang tác động rất mạnh. Sự việc này cả trong ngành và ngoài ngành đều nói cả”. 
Theo GS Hạc, việc Bộ Giáo dục vừa qua tuyên bố sẽ tổng kiểm tra những trường được thành lập được 10 năm (2001-2011) nếu không đáp ứng được sẽ đóng cửa từng ngành, có thể tạm đình chỉ việc giảng dạy: “Vấn đề này phải trông cậy vào cơ quan quản lí nhà nước, làm có công tâm không, có khách quan không, có minh bạch không, có vì lợi ích quốc gia không hay chỉ là vì lợi ích nhóm, cá nhân” – GS Hạc hy vọng có một sự đổi thay về chất trong công tác kiểm tra, rà soát các trường không đủ tiêu chuẩn hoạt động mà Bộ Giáo dục mới tuyên bố.
"Tôi thấy Chính phủ cũng chạy theo số lượng"
GS Phạm Minh Hạc cũng kết luận rằng, những sinh viên học ở các trường CĐ được nâng cấp lên ĐH trước hết có được tấm bằng, đó chỉ là cái mác ĐH còn chất lượng đào tạo chưa thể nói lên điều gì.
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Mác đại học vẫn còn nặng trong tâm lí người dân".
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ về quan điểm nâng cấp các hệ đào tạo, theo GS Thuyết, trung cấp là trung cấp và CĐ là CĐ, hai bậc này khác với ĐH, và có nhu cầu khác, đó là những trường thiên về thực hành.
“Nếu chúng ta nâng cấp trường trung cấp lên CĐ thì chúng ta mất đi trường trung cấp tốt mà được một trường CĐ yếu, và khi nâng cấp từ CĐ lên ĐH sẽ mất đi trường CĐ tốt mà có trường ĐH yếu. Việc đó rất không nên” – GS Thuyết chỉ ra cái được và chưa được trong việc nâng cấp CĐ lên ĐH.
Theo GS Thuyết, nền giáo dục chúng ta vẫn đang nặng về hình thức, muốn phấn đấu theo chỉ tiêu số lượng với mục tiêu đạt được con số từ 400-450 sinh viên/một vạn dân.
“Bây giờ chúng ta phải đặt chất lượng hàng đầu chứ không phải số lượng nữa. Thực tế cho thấy, những trường mới được mở ra sinh viên vào học rất ít, vì các em chọn những trường có tiếng tăm trước. Xét cho cùng, tôi thấy Chính phủ vẫn chạy theo số lượng, lí do con số sinh viên/vạn dân là một trong những chỉ số quyết định tính cạnh tranh của nền kinh tế” – GS Thuyết thẳng thắn cho biết.
Thiếu trường mầm non, thừa trường đại học do chế tài
Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cho rằng, việc thiếu trường mầm non và thừa trường ĐH  là cách làm lộn ngược: "Chúng ta đang coi trọng làm phần ngọn mà chưa quan tâm đến gốc, tức là mở ra quá nhiều các trường đại học, trong khi đó các trường mầm non vừa thiếu, vừa không được quan tâm đúng mức. Tôi đề nghị Nhà nước phải có trách nhiệm với ngành học này vì mầm non là bậc học đầu tiên, là gốc, là nền móng của cả một công trình".
Theo ông Thịnh, có thể địa phương lo trường, lớp có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng chương trình kiên cố hóa trường lớp. Còn Nhà nước phải lo đội ngũ giáo viên, thiết bị giảng dạy và vui chơi của trẻ. Việc này có thể thực hiện theo phương thức xã hội hóa. (Ý kiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 27/10/2011 vừa qua).
Theo Xuân Trung
(GDVN)

Bình luận (0)