Sau 86 năm sử dụng, đến nay chợ Bình Tây đã xuống cấp nghiêm trọng. Những ngày này, UBND quận 6 đang chuẩn bị cho dự án nâng cấp sửa chữa toàn diện nhằm đưa chợ Bình Tây thành trung tâm thương mại, dịch vụ văn minh lịch sự hàng đầu của thành phố. Dự kiến thời gian thi công chợ Bình Tây sẽ từ quý 3-2015 đến hết quý 3-2017.
Xuống cấp nhiều mặt
Chợ Bình Tây là chợ đầu mối bán buôn của thành phố và của quận 6. Được xây dựng từ năm 1928 với kiến trúc cổ mang tính văn hóa, lịch sử. Qua thời gian sử dụng, chợ Bình Tây ngày càng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Năm 1991 để tăng thêm số lượng sạp nhằm phục vụ lượng khách hàng ngày một tăng, chợ được nâng thêm 1 tầng lầu. Tuy nhiên qua 22 năm sử dụng, chợ tiếp tục xuống cấp, hệ thống cống tắt nghẽn, kèo mái bê tông cốt thép bị bục nát, mái ngói thấm dột nhiều nơi, rui mè bong tróc, thường xuyên rơi rớt.
Các gian hàng trong chợ bi dột, phải hứng nước mỗi khi trời mưa.
Trong lần khảo sát mới đây vào những ngày cuối tháng 7, ở tầng 1, để giảm thiểu nước mưa tạt vào hành lang, các tiểu thương đã dùng những vật liệu che chắn. Qua thời gian nắng mưa, những tấm bạt ni lông hay rèm tre đã mục nát tạo nên sự nhếch nhác, mất thẩm mỹ bên trong một công trình kiến trúc cổ.
Chị Kim Lan chủ sạp vải đang lau nước mưa dưới nền nói: “Nhìn chợ vững chắc vậy chứ bên trong hỏng hết, có hôm đang ngồi ăn, một miếng bê tông rớt ngay vào trong tô cơm. Sau đó Ban Quản lý chợ dùng những tấm lưới sắt che bên dưới mái để hứng bê tông rơi rớt, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng thấm dột”.
Ngoài ra, hệ thống nước thải tập trung không đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn về bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được trang bị theo quy định của Sở Cảnh sát PCCC, khu vệ sinh không đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn chợ, siêu thị văn minh thương nghiệp.
Bảo tồn kiến trúc cổ như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Mỹ, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình quận 6, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Tổ trưởng tổ thực hiện đầu tư dự án cho biết, tổng mức đầu tư dự kiến để nâng cấp chợ Bình Tây là 105 tỷ đồng. Đây là công trình xã hội hóa nên mỗi chủ sạp kinh doanh đóng 80 triệu đồng để thực hiện dự án. Giai đoạn đầu thu tạm ứng các hộ đang kinh doanh 40 triệu đồng/sạp. Số tiền còn lại thu trong các giai đoạn tiếp theo.
Trong thời gian lập dự án đầu tư, thiết kế thi công chợ tạm sẽ tạm ứng nguồn vốn ngân sách của quận 6 là 30 tỷ đồng. Sau khi việc sửa chữa chợ Bình Tây hoàn thành, bố trí các hộ kinh doanh vào nhà lồng chợ, Ban Quản lý sẽ thu tiền hợp đồng sử dụng sạp kinh doanh để thực hiện giai đoạn cuối của dự án, thanh quyết toán công trình và hoàn vốn tạm ứng của quận. Thời gian thi công nâng cấp sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây dự kiến từ quý 3-2015 đến hết quý 3-2017.
Với mục đích nâng cấp sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây nhưng phải bảo tồn công trình kiến trúc lịch sử, ông Nguyễn Thế Mỹ phác thảo kế hoạch nâng cấp như sau: Đối với toàn bộ phần chịu lực chính của hệ mái, sẽ tái tạo và tăng cường khả năng bảo vệ cốt thép khỏi quá trình ăn mòn và gỉ sét; đối với hệ rui và ngói lợp cần thay mới toàn bộ; thực hiện các phương án chống thấm và xử lý các vết nứt dưới đáy sàn mái; phần li tô mái ngói, diềm mái thực hiện sửa chữa trên nguyên tắc bảo tồn kiến trúc (giữ nguyên chủng loại vật liệu và quy cách mẫu mã của chợ Bình Tây hiện hữu), lấy mẫu trình Sở VH-TT-DL kiểm định phê duyệt trước khi sản xuất lắp đặt đại trà; gia cố các cột đã bê tông hóa, nâng nền, sửa chữa nâng cấp nhà vệ sinh đạt chuẩn, xây dựng công trình xử lý nước thải và lắp đặt hệ thống PCCC.
Để hỗ trợ tiểu thương trong quá trình kinh doanh tại chợ tạm, UBND quận 6 căn cứ trên thực tế kinh doanh sẽ chỉ đạo Chi cục Thuế quận 6 điều chỉnh mức thuế phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh cho hợp lý. Trong thời gian tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm thì cùng lúc có thể được kinh doanh tại chợ chính (nếu không vướng vào các hạng mục sửa chữa), nhưng chỉ thu thuế một nơi. Đây là dự án sửa chữa chợ Bình Tây không phải là dự án xây dựng mới, nên sau khi hoàn thành sẽ bố trí tiểu thương vào chợ tại vị trí cũ mà trước đây tiểu thương hoạt động kinh doanh.
Việc nâng cấp sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả cho tiểu thương, đây còn là góp phần gìn giữ bảo tồn công trình kiến trúc cổ, đồng thời tạo thêm điểm đến hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến TP.
Một bảo vệ có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại chợ Bình Tây cho biết: “Những tháng cao điểm bình quân mỗi ngày chợ đón 300 – 500 lượt khách, phần lớn là khách từ Malaysia theo đạo hồi. Họ rất thích những hoa văn trên các loại vải được bày bán tại chợ. Bắt đầu từ tháng 10 trở đi, chợ tiếp tục đón một lượng lớn khách châu Âu, có ngày xe du lịch 40 – 50 chỗ đến chợ mà không có chỗ đậu xe”.
Về kế hoạch di dời, hiện nay tại chợ Bình Tây có khoảng 1.200 sạp. Phương án sẽ di dời 300 sạp chia làm 2 khối ra lòng đường Nguyễn Hữu Thận và 900 sạp chia làm 5 khối sẽ xây dựng trên 1/2 lòng đường Tháp Mười, diện tích mỗi sạp 1,5m x 1,5m. Đến trước tháng 3-2015, tiểu thương được kinh doanh cùng lúc 2 nơi, nhưng chỉ thu phí một nơi. Sau tháng 3-2015, tiểu thương chỉ nộp phí điện, nước, vệ sinh… dự kiến đến quý 4-2017 bố trí các tiểu thương trở lại nhà lồng chợ.
ĐĂNG QUANG
(SGGP)
Bình luận (0)