Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại một ngày hội việc làm tổ chức ở TP.HCM
|
Các trung tâm hỗ trợ việc làm ở các trường ĐH hiện chưa phát huy hết vai trò do hầu hết sinh viên chỉ thực sự tìm việc sau khi tốt nghiệp, chỉ số ít có nhu cầu việc làm bán thời gian. Trong khi đó, tại nhiều nước, như Nhật Bản chẳng hạn, sinh viên phải tham gia tìm kiếm việc làm từ năm thứ 3 ĐH.
Bà Phan Thị Thanh Xuyên (giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) sau chuyến đi tu nghiệp ngắn hạn tại Nhật Bản đã tìm hiểu và cho rằng trung tâm hỗ trợ việc làm nếu hoạt động hiệu quả sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho sinh viên.
Theo bà Xuyên, hầu hết các trường ĐH ở Nhật Bản đều thành lập trung tâm hỗ trợ việc làm cho sinh viên và đây cũng là “kênh” để các trường chuyển giao sản phẩm đào tạo của mình đến tay doanh nghiệp. Theo đó, các sinh viên ở Nhật Bản ngay từ năm thứ 3 đã phải tham gia tìm kiếm việc làm, chủ yếu qua các “kênh” gần gũi như website các đơn vị tuyển dụng, sự kiện được tổ chức tại các trường hay công ty, trung tâm hỗ trợ việc làm…
Tại Nhật Bản, hằng năm sẽ có đại diện thống kê số sinh viên kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, các công ty sẽ căn cứ vào số liệu cụ thể tại trường để tổ chức hoạt động hỗ trợ tìm việc cho sinh viên.
Không chỉ đơn thuần phối hợp các công ty tuyển dụng tổ chức hoạt động giới thiệu đầu việc, trung tâm còn mở các khóa học định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm như “suy nghĩ nghiêm túc về công việc và cuộc sống, sự cần thiết của hoạch định công việc”; “cách lập kế hoạch nghề nghiệp”; “phương pháp tìm hiểu công việc”… cho các sinh viên. Qua đó, các sinh viên có những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn và phù hợp. Không chỉ vậy, sinh viên còn có thể đăng ký các khóa học ngắn hạn tại các trường ĐH nước ngoài có liên kết với trường mình để tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng mềm khác. Đồng thời, sinh viên còn được gửi đến thực tập ngắn hạn từ 2 đến 3 tuần tại các công ty để thích ứng trước khi ra ngoài làm việc chính thức.
Liên hệ thực tiễn tại Việt Nam, bà Xuyên cho rằng, hiện còn khá nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm những công việc tạm thời. Điều này tạo sức ép cho chính sinh viên và tạo gánh nặng xã hội. Thời gian gần đây, các trường ĐH được mở nhiều, kéo theo lượng sinh viên theo học tăng. Trong điều kiện đó, một số công ty lại còn cắt giảm biên chế do bối cảnh kinh tế khó khăn khiến sinh viên càng eo hẹp cơ hội có được công việc như mong muốn.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng phải kể đến đối với tình trạng thất nghiệp của sinh viên Việt Nam chính là chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo. Điều này xuất phát từ việc đào tạo chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề kỹ năng mềm, sinh viên tốt nghiệp rất hay lúng túng trong giao tiếp, phỏng vấn tuyển dụng… Trong khi đó, các sinh viên lại ít có ý thức hoạch định nghề nghiệp và chưa suy nghĩ độc lập cho con đường đi của mình. Thực tế, hầu như sinh viên ở Việt Nam chỉ thực sự tìm việc sau khi tốt nghiệp, chỉ số ít có nhu cầu việc làm bán thời gian nên các trung tâm hỗ trợ việc làm tại các trường chưa thể phát huy hết vai trò, chức năng hoạt động.
Bà Xuyên đặt vấn đề nên liên kết đồng bộ giữa các khoa và trung tâm hỗ trợ việc làm trong phạm vi toàn trường. Điều này đồng nghĩa, các khoa không “phân lẻ” hoạt động giới thiệu việc làm cho sinh viên như hiện nay mà tập trung nhiệm vụ này cho trung tâm hỗ trợ việc làm của trường. Trung tâm sẽ có nhiệm vụ kết nối nhà tuyển dụng với sinh viên. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp các khoa tổ chức những hội chợ việc làm, gặp gỡ đại diện lãnh đạo công ty tuyển dụng nhằm tư vấn, hướng nghiệp thiết thực cho các em.
Bài, ảnh: Thục Trân
Bà Phan Thị Thanh Xuyên (giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) cho rằng, thực tiễn ở Việt Nam còn khá nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm những công việc tạm thời. Điều này tạo sức ép cho chính sinh viên và tạo gánh nặng xã hội. |
Bình luận (0)