Ban tổ chức liên ngành sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để trận đấu giữa tuyển Việt Nam và đội Trung Quốc ở lượt 8 vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vào ngày 1.2 (mùng 1 tết) diễn ra an toàn, thành công về mọi phương diện.
Đội khách có 120 thành viên, 8 tấn hành lý
Các đội khách khi đến Hà Nội thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup đều mang theo lượng hành lý đồ sộ và rất đông thành viên, và đội Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Theo thông tin ban đầu từ cuộc họp liên ngành vào ngày 14.1 bàn về công tác tổ chức trận đấu, dự kiến đội bạn sẽ sang Việt Nam với khoảng 120 người, trong đó nhiều khả năng do Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc Chen Xuyuan dẫn đầu.
Sân Mỹ Đình phải hoàn thiện cơ sở vật chất trước ngày 25.1
Cũng giống như khi đội Nhật Bản hay Ả Rập Xê Út đến Việt Nam, công tác đón tiếp đội Trung Quốc phải chu đáo, đảm bảo an toàn y tế ngay từ sân bay đến khi đội bạn về khách sạn và thực hiện quy trình bong bóng trong suốt thời gian tại Hà Nội. Sau lượt trận thứ 7 gặp đội Nhật Bản vào ngày 27.1, đội Trung Quốc di chuyển bằng chuyên cơ và có mặt tại sân bay Nội Bài vào 23 giờ ngày 28.1. Khối lượng hành lý của đội khách khoảng 8 – 9 tấn và họ không nhờ Ban tổ chức (BTC) trận đấu bố trí xe để chở mà chủ động thuê một đối tác lo liệu việc đưa hành lý về khách sạn. Đội Trung Quốc dự kiến sẽ tập kín tại sân Hàng Đẫy trong 3 buổi (từ 29 – 30.1), một buổi tập mở làm quen sân Mỹ Đình vào ngày 31.1 (tức 29 tết). Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL yêu cầu BTC phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào làm ảnh hưởng đến đội bạn. Ngược lại, BTC cũng cần đề nghị đội Trung Quốc tuân thủ đúng các quy định của nước sở tại, trong đó có quy định về phòng chống dịch.
Siết chặt tối đa an toàn y tế
Trong cuộc họp ngày 14.1, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương yêu cầu VFF và các đơn vị có liên quan cần nâng cấp mức độ chuẩn bị so với trước, bởi trận đấu được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có biến thể mới Omicron. UBND TP.Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của ngành thể thao và VFF về việc sân Mỹ Đình được đón 20.000 khán giả. Do trận đấu diễn ra vào đúng mùng 1 Tết Nhâm Dần nên dự báo sẽ không có khán giả nào bỏ vé, do đó kế hoạch đảm bảo an toàn y tế phải được siết chặt tối đa.
Ở hai trận tuyển Việt Nam gặp Nhật Bản và gặp Ả Rập Xê Út vào tháng 11 năm ngoái, việc kiểm soát khán giả vẫn có lỗ hổng nên lần tới sẽ phải phân luồng kiểm soát tốt hơn, chia thành nhiều vòng hơn tại sân Mỹ Đình và tăng cường thêm lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, bảo vệ. BTC kiên quyết không cho vào sân đối với những khán giả không xuất trình được các giấy tờ sau: vé xem trận đấu; giấy chứng nhận hoặc xác nhận điện tử đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 (mũi 2 đã qua 14 ngày trở lên) hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng trở lại; giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời gian tối đa 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra; giấy tờ tùy thân (CMND/thẻ CCCD, hộ chiếu…). Khán giả bắt buộc phải cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid để khai báo y tế và thực hiện quét mã QR tại các cửa kiểm soát; thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, phải ngồi giãn cách trên khán đài, đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian có mặt tại sân Mỹ Đình. VFF dự kiến mở bán vé qua mạng trên ứng dụng VinID, từ 9 giờ ngày 18.1 (các mức giá 1,2 triệu đồng, 900.000 đồng, 700.000 đồng, 500.000 đồng). Mỗi khán giả được mua tối đa 4 vé.
Sân Mỹ Đình cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo, sửa chữa
Đến thời điểm hiện tại, sân Mỹ Đình đã tháo bỏ toàn bộ ghế cũ sử dụng từ năm 2003 và lắp ghế mới. Tuy nhiên, công trường vẫn đang khá ngổn ngang nên BTC trận đấu kiến nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây nguyên (đơn vị được Bộ VH-TT-DL giao phụ trách cải tạo, sửa chữa các hạng mục tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình) cần đẩy nhanh tiến độ để kịp cho công tác tổ chức. Riêng chất lượng mặt sân không đáng ngại vì thời gian qua Khu liên hợp Mỹ Đình liên tục chăm sóc cỏ, đáp ứng được yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá thế giới và châu Á, đảm bảo cho trận đấu diễn ra với chất lượng chuyên môn cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục TDTT vẫn yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, phải thực sự có trách nhiệm, không để đội bạn hay đội ngũ giám sát, trọng tài phải phàn nàn về cơ sở vật chất của Việt Nam. Trước ngày 25.1, công tác chuẩn bị ở khu liên hợp phải được hoàn tất. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT đề nghị VFF phải tham gia giám sát chặt chẽ. Cần xây dựng những phương án dự phòng, đề phòng sự cố ngoài ý muốn để không bị động. Nếu không may xảy ra trường hợp F0 với Covid-19, phải có ngay kịch bản xử lý. Từ nay đến khi trận đấu khởi tranh sẽ tiếp tục có các cuộc họp và kiểm tra thực địa của ngành thể thao, TP.Hà Nội.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)