Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng “chất” cho đào tạo giáo viên phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng hiếm học sinh khá giỏi đầu quân vào các ngành sư phạm

Phân nửa lượng giáo viên hưởng mức dưới lương bình quân. Không quá 20% giáo viên thực sự yêu và gắn bó với nghề…
Thực trạng trên được chỉ ra trong đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” tại hội thảo khoa học “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 2-8. Cũng theo nhận định, công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông nước ta sau 9 năm triển khai bắt đầu từ cấp tiểu học, ở chương trình và sách giáo khoa vẫn chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản. Giáo dục trong các trường phổ thông hiện vẫn chú trọng truyền thụ kiến thức, hạn chế khâu rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng sống cũng như khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết những tình huống thực tiễn. Vì vậy, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển con người, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của yếu kém này nằm ở sự bất cập về số lượng, cơ cấu, phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Hệ thống đào tạo giáo viên không theo kịp sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, mặc dù đội ngũ nhà giáo vốn được xem là nòng cốt của sự nghiệp giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Đội ngũ nhà giáo yếu kém, bất cập thì dù chương trình, tài liệu giáo khoa hay cơ sở vật chất đầy đủ hiện đại cũng không đảm bảo chất lượng đào tạo. Chưa nói, đội ngũ giáo viên hiện nay cũng không đáp ứng yêu cầu cuộc cải cách chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 11.
Liên quan đến sự yếu kém trong chất lượng giáo viên, vấn đề thu nhập, tiền lương đã được nhiều ý kiến đề cập. Qua khảo sát, có đến 50% giáo viên các cấp phải hưởng mức dưới lương bình quân. Thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương của giáo viên hiện không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống, nhất là ở các vùng đô thị. Trong khi đó, do đặc thù nghề nghiệp, việc làm thêm để tăng thu nhập của giáo viên cũng rất hạn chế. Chính điều này đã làm giảm động lực, lòng yêu nghề, nhiều giáo viên thành thị khi có điều kiện thuận lợi đều chuyển ngành. Đáng nói là chỉ khoảng 10-20% giáo viên thực sự yêu và gắn bó với nghề. Học sinh đăng ký vào ngành sư phạm ngày càng giảm, điểm chuẩn cũng “tụt dốc” trong các năm gần đây, hiếm học sinh khá giỏi chịu đầu quân vào ngành sư phạm.
GS.TS Đinh Quang Báo (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh, cần có đột biến trong chính sách thu hút người giỏi và tiêu chí lựa chọn ứng viên đối với khâu tuyển sinh ngành sư phạm. Theo GS. Báo, các trường sư phạm cần tuyển những sinh viên có học lực khá trở lên hoặc các nguồn khác có thông qua sơ tuyển. Nhiều ý kiến khác đặt trọng tâm cải cách vào việc sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và nghề dạy học. Từ đó, khôi phục và nâng cao vị thế xã hội của nghề giáo; giúp nhà giáo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục về phẩm chất, năng lực và có thu nhập cao hơn mức trung bình của xã hội. Đồng thời làm cho nghề dạy học thực sự được xã hội coi trọng và có sức hút với học sinh khá giỏi.
Ba nhóm giải pháp được đề cập trong cải cách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông nhằm chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015 gồm: Đổi mới cơ cấu hệ thống đào tạo giáo viên phổ thông; đổi mới căn bản phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; sửa đổi chính sách để khôi phục vị thế xã hội của nhà giáo, chấn hưng nghề dạy học…
Bài, ảnh: M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)