Giảng viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) hướng dẫn sinh viên ngành điện – điện tử thực hành. Ảnh: D.Bình |
Cuối năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với người lao động nên đòi hỏi các trường đào tạo phải đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp người học nâng cao năng lực ngoại ngữ, hợp tác…
Vậy với “sân chơi” mới này, giáo viên các trường trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) đã được trang bị phương pháp giảng dạy như thế nào? Giáo dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện với ông Phạm Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.
PV: Thưa ông, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đáp ứng thị trường lao động mới đã được Sở GD-ĐT TP chuẩn bị như thế nào trong thời gian gần đây?
Ông Phạm Ngọc Thanh: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không thể đợi “nước đến chân mới nhảy” mà ngành GD TP đã thực hiện từ lâu vì đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của các trường. Và để thực hiện điều đó thì các trường buộc phải đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Sở GD-ĐT đã thực hiện rất nhiều biện pháp để thúc đẩy GDNN phát triển, cụ thể như: Tham mưu UBND TP đầu tư cơ sở vật chất, duyệt các chương trình chất lượng cao cho từng trường, trong đó tập trung vào từng ngành mũi nhọn từng trường, từng khu vực. Do đó, cơ sở vật chất các trường TC, CĐ công lập thuộc Sở GD-ĐT quản lý rất tốt. Với các trường tư thì định hướng, tạo điều kiện để thủ tục hành chính nhanh gọn hơn. Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên, quản lý nhà trường thông qua các chương trình hợp tác quốc tế nhằm chuẩn bị cho hội nhập.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
Cụ thể trong những năm trở lại đây, Sở GD-ĐT TP đã thực hiện những chương trình hợp tác quốc tế gì và hiệu quả mang lại như thế nào?
Những năm qua, giáo viên GDNN TP đã được bồi dưỡng, rèn luyện rất nhiều kỹ năng để hội nhập quốc tế qua nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức, ngành GD-ĐT ở các nước có nền giáo dục phát triển như: Triển khai đào tạo 2 chương trình tiên tiến theo chuẩn của Singapore ngành cơ điện tử và ngành công nghệ thông tin – đa phương tiện; Dự án của Temasek Foundation – Singapore, Hàn Quốc; Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận F+U sachsen Cộng hòa liên bang Đức về đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường chuyên nghiệp; Bộ GD-ĐT và cộng đồng bang New South Wales – Úc đào tạo theo hệ thống TAFE… Nhiều trường chuyên nghiệp đã có những hợp tác song phương với các trường trong khu vực và quốc tế để triển khai đào tạo các ngành học theo tiêu chuẩn quốc tế… Những chương trình này bước đầu mang lại những kết quả nhất định, qua đó xây dựng được mô hình và phương thức mô hình đào tạo theo tiêu chuẩn tiên tiến ở khu vực, mở rộng cơ hội tiếp cận, học tập thực tiễn của các cơ sở đào tạo nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường chuyên nghiệp đáp ứng theo yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Đồng thời, qua các chương trình, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cũng được bồi dưỡng, nâng cao thêm về khả năng tiếng Anh.
Một tiết thực hành của sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức |
Ông đánh giá thế nào về đội ngũ giáo viên GDNN hiện nay, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ, thưa ông?
Đội ngũ giáo viên đã rất tích cực tham gia các chương trình hợp tác, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Tuy nhiên, năng lực tiếng Anh vẫn còn hạn chế, đặc biệt là giáo viên giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành chưa đảm bảo. Khi bồi dưỡng đội ngũ, xu thế mạnh ở các trường công lập, còn một số trường tư thục chưa chịu phát triển, chưa ổn định về đội ngũ. Hơn nữa, các trường ngoài công lập cũng chưa mạnh dạn cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài…
Để khắc phục năng lực tiếng Anh cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu lập kế hoạch đào tạo giáo viên chuyên ngành. Bộ GD-ĐT có chủ trương yêu cầu giáo viên tiếng Anh chuyên ngành dạy một số môn và Sở GD-ĐT cũng yêu cầu giáo viên dạy kỹ thuật phải học tiếng Anh. Các trường TC và CĐ do Sở GD-ĐT quản lý đang tạo nhiều điều kiện cho giáo viên dạy chuyên ngành học tiếng Anh để nghiên cứu tài liệu, hiểu sâu về ngành hơn.
Xin cám ơn ông!
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)