Từ 1-7-2013, Thông tư 18 của Bộ VH-TT-DL có hiệu lực. Thông tư quy định, bên cạnh các chứng chỉ khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề.
Đây là quy định được xem sẽ hạn chế nạn tùy tiện trong trùng tu di tích. KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, nhận định:
Chưa có trường ĐH nào đào tạo nguồn nhân lực trùng tu di tích, chỉ một số trường đại học có đào tạo kỹ sư, môn học và chuyên đề này. Còn thực tế, đào tạo trùng tu di tích là đào tạo bổ sung, tức là, những người sau khi đã tốt nghiệp ở các trường đại học về kiến trúc, xây dựng, họ có kiến thức cơ bản rồi, để thêm kiến thức về tu bổ di tích thì đào tạo bổ sung, không cần thời gian nhiều nhưng nói như thế không có nghĩa chỉ một vài tuần là đủ, vì hiện nay, chương trình của viện là đào tạo cho những người đã có kinh nghiệm trong việc này rồi, đang làm nhiệm vụ trùng tu di tích rồi, đầu vào lấy những người ít nhất có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực trùng tu, phải kê khai những công trình trùng tu có kết quả, chúng tôi tiến hành bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng của họ, chuẩn hóa kiến thức.
Trước mắt, đây là cách làm tốt nhất để điều chỉnh, giúp những người đang làm trong nghề này làm tốt hơn, còn việc đào tạo ngay từ đầu, với những sinh viên mới tốt nghiệp trường kiến trúc, phải cần chương trình dài hơn rất nhiều. Chúng tôi đang xây dựng chương trình này và thời gian tới sẽ tiến hành áp dụng.
Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải được thực hiện bởi những người có nghềà. Ảnh: Tư liệu
* PV: Nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng tuyển sinh ồ ạt để “chạy” thông tư?
* KTS LÊ THÀNH VINH: Có thể người ta có nhiều cách để làm sao nhanh nhất đạt được điều mình mong muốn, nhưng nếu chúng ta quản lý tốt cách thức giảng dạy cũng như kiểm soát các cơ sở đào tạo sẽ giảm được việc đào tạo mang tính hình thức. Việc đào tạo cũng không thể nào đốt cháy giai đoạn, không thể trong một thời gian ngắn làm nhanh được, phải thực hiện thận trọng. Nếu chỉ chạy theo số lượng, mong muốn có đội ngũ đông đảo, có tay nghề ngay lập tức thì không thực tế, vì điều quan trọng nhất vẫn là phải đào tạo được những người đáp ứng đủ các yêu cầu của công việc tu bổ này.
* Cho tới thời điểm này, ngoài viện thì chưa có đơn vị nào tổ chức các lớp học cấp chứng chỉ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích, vậy có xảy ra tình trạng mất cân bằng cung – cầu?
* Nếu có nhu cầu thực tế thì có thể mở thêm nhiều cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ nhưng họ phải chuẩn hóa giáo trình và phải có nhiều giảng viên đủ kinh nghiệm, kiến thức, lâu năm trong nghề mới đảm bảo chất lượng đào tạo. Cụ thể, như chương trình đào tạo hiện nay viện đang thực hiện ngoài việc cung cấp những kiến thức cơ bản, cả vấn đề về quy phạm pháp luật, cũng như những nguyên tắc đã được công nhận trên thế giới và đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế, chúng tôi còn có thời lượng lớn dành cho các học viên đến các di tích cụ thể, các công trường đang tu bổ để tiếp cận công việc thực tế và làm bài tập thực hành. Nếu các chương trình đào tạo đảm bảo được khung chương trình như thế thì ít nhất cũng cung cấp cho các học viên tương đối đủ kiến thức cơ bản để có thể áp dụng. Việc tuyển chọn người dạy cũng như người học cũng không dễ dàng.
* Ông có tin rằng việc cấp chứng chỉ cho người làm công tác tu bổ tôn tạo di tích sẽ hạn chế những sai sót đã từng xảy ra trong công việc này trước đây?
* Việc quy định chi tiết cấp giấy chứng nhận hành nghề (đối với tổ chức), chứng chỉ hành nghề (đối với cá nhân) trong hoạt động tu bổ di tích là một bước chuyển biến tích cực, cần thiết trong công tác quản lý chất lượng công tác bảo tồn, tu bổ di tích. Trước khi có văn bản này, các đơn vị, cá nhân có thể tham gia hoạt động tu bổ di tích một cách khá dễ dàng, chỉ cần có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng nói chung và có đăng ký kinh doanh về tu bổ di tích là được tham gia. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần vì nó góp phần sàng lọc các đối tượng tham gia công việc mang tính đặc thù này.
MAI AN thực hiện
(SGGP)
Bình luận (0)