Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng chất lượng đội ngũ giáo viên còn nhiều khó khăn?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Tại Hội nghị về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010” vừa qua, các đại biểu cho biết hiện nay việc thực hiện nghị quyết này đã bộc lộ những khó khăn.
Khi thực hiện, một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa chuyên nghiệp trong công tác, chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời buổi hội nhập, chậm đổi mới, kỹ năng sư phạm còn yếu. Số giáo viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học tuy có tăng nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp. Theo kết quả khảo sát năm 2006-2007, có khoảng 50% cán bộ quản lý giáo dục chưa hoàn thiện kỹ năng, còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc 1, bậc 2 cho giảng viên, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Cả nước trong năm 2009 vẫn còn trên 70% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp chưa được bồi dưỡng kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm.
Tại TP.HCM, gần 75.000 giáo viên toàn thành phố chỉ đủ để dạy các môn khoa học cơ bản, còn thiếu rất nhiều giáo viên ở các môn nhạc, họa, công nghệ thông tin… Trên thực tế, còn thiếu rất nhiều các chức danh ở các bộ phận như: tư vấn học đường, thư viện, y tế… Đa phần là các giáo viên ở các bộ phận làm việc dựa vào kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bồi dưỡng. Một khó khăn nữa là các trường ĐHSP thiếu sự liên thông với nhau, giữa các trường mầm non, phổ thông, trung tâm sư phạm, gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển của hệ thống sư phạm cũng như từng trường. Kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn… Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho biết: “Tình trạng dư thừa giáo viên và mất cân đối trong kinh phí sự nghiệp giáo dục đang gặp phải ở nhiều địa phương, trong đó kinh phí hoạt động chỉ có 10%, còn 90% phải chi cho con người, nên chất lượng và hiệu quả giáo dục thấp. Nhiều trường ở thành thị thì thừa giáo viên, trong khi ở vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng. Vì vậy, cần có chế độ phụ cấp đặc biệt cho giáo viên mới tiếp nhận cũng như thu hút giáo viên giỏi cấp tỉnh về. Ngoài ra, tuyển sinh ngành sư phạm phải có chế độ đãi ngộ về chỗ ăn, ở. Quan tâm hơn nữa chương trình kiên cố hóa trường lớp, giải quyết nhà công vụ cho giáo viên”.
Hậu Giang bước đầu triển khai Nghị quyết cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là đội ngũ giáo viên không đồng đều cả về hình thức đào tạo và chất lượng đào tạo, ít chú ý về nội dung, quy trình đánh giá xếp loại thiếu chặt chẽ… Ông Trần Tấn Thời, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết: Một số trường trong tỉnh còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng bộ môn. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu một số bộ môn không hợp lý, chưa giải quyết triệt để, phương pháp giảng dạy, năng lực sử dụng trang thiết bị một số bộ phận giáo viên khi lên lớp còn hạn chế… là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng giáo dục chậm phát triển.
B.N

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)