Sự xuất hiện của nhiều loại hình du lịch hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi không riêng ngành du lịch nước ta phải liên tục đổi mới, mà các cơ sở, trường học cũng cần thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Sinh viên ngành du lịch Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn trong giờ thực hành… Ảnh: T.Trân |
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Các loại hình du lịch hiện đại” do Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn phối hợp ĐH Lille 3 (Pháp) tổ chức trong 2 ngày 20 và 21-10, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Vụ Đào tạo Bộ VH-TT&DL) nhìn nhận, cùng với xu hướng chung của thế giới, nhiều loại hình du lịch mới đang được quan tâm phát triển mạnh ở Việt Nam như: du lịch ẩm thực, du lịch thiện nguyện hay du lịch chữa bệnh. Đây là những loại hình du lịch thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, gần đây nước ta cũng phổ biến loại hình du lịch gắn với sự phát triển kinh tế – xã hội và thu nhập cá nhân như trào lưu du lịch bằng xe máy cá nhân, phượt…
Các quốc gia có ngành du lịch phát triển thường thuê lao động của nước khác vào làm việc, chủ yếu ở những vị trí lao động trực tiếp. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển có nhu cầu lớn về nguồn lao động chất lượng cao lại chủ yếu thuê nhân lực quốc tế đảm nhận vị trí quản lý, giám đốc, cán bộ giám sát, điều hành… |
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc thừa nhận một loại hình du lịch mới không dễ dàng vì nhận thức, quan điểm của các tầng lớp, chủ thể trong xã hội chưa theo kịp. Đó là chưa kể, hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc thù và khác biệt so với những quốc gia khác. Trách nhiệm này đặt vào tay các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp hàng loạt công việc cụ thể như tìm hiểu thị trường, đối thủ cạnh tranh; nâng cao chất lượng dịch vụ và đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Vấn đề đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu các loại hình du lịch mới cũng được TS. Nguyễn Văn Lưu (thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia) đề cập chi tiết. Theo ông Lưu, xu hướng phát triển du lịch mới yêu cầu “chuẩn năng lực” cao đối với cả du khách và nhân lực du lịch. Theo đó, nguồn nhân lực du lịch không chỉ dừng lại ở những năng lực cơ bản, thụ động mà cần được nâng chuẩn lên một bước. Tuy vậy, ông cũng chỉ ra, số lượng nhân lực du lịch ở nước ta thường xuyên thay đổi và khó kiểm soát do thực tế nhiều người được đào tạo du lịch bài bản nhưng ra trường lại làm trái ngành và ngược lại nhiều người tốt nghiệp lĩnh vực khác nhưng “nhảy vào” làm du lịch. Trong khi đó, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra khắp các lĩnh vực, trong đó có du lịch và không sớm thì muộn sẽ “phủ rộng” tới cả các địa phương. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ mới được đưa vào các điểm du lịch sẽ tạo việc làm, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý… tác động trực tiếp đến phát triển nhân lực chất lượng cao của từng địa phương. Đồng thời, sự gia tăng cạnh tranh của các điểm du lịch khi hội nhập cũng đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao phải tương xứng. Từ thực tiễn đó, ông Lưu cho rằng, các địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để được hỗ trợ thông tin và thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao; có chính sách đãi ngộ, thu hút giữ chân người tài.
Ý kiến khác cũng đề cập việc xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ cho nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp du lịch. TS. Vũ Khắc Chương (Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn) đề xuất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và tạo điều kiện cơ sở vật chất, chương trình hành động cho các địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện các loại hình du lịch.
Mê Tâm
Bình luận (0)