Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nâng chất lượng nhiên liệu cho phương tiện giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Chất lượng nhiên liệu sẽ được nâng cao vào những năm tới
Theo các số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn cả nước có hơn 30 triệu xe gắn máy và trên 1,5 triệu xe ô tô đang lưu hành với chất lượng nhiên liệu còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này khiến lượng khí thải tăng cao làm ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Do đó, Chính phủ Việt Nam đang nâng chuẩn khí thải từ các phương tiện giao thông để cải thiện môi trường sống.
Kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường
Để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường, bên cạnh việc đổi mới về chất lượng phương tiện, nước ta cần áp dụng các mức tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng xăng dầu, phù hợp với tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đến cuối năm 2009, các nhà quản lý yêu cầu thắt chặt hơn nữa chất lượng xăng dầu vì lo sợ, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước sẽ ngày càng bị đẩy xa. Nếu như trước đây nước ta chủ yếu nhập xăng dầu từ nước ngoài, thì bắt đầu từ tháng 6-2009, Petro Việt Nam đã vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Dung Quất. Dự kiến đến năm 2013, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng được khánh thành. Hai nhà máy lọc dầu này hoạt động đều nhằm mục đích sản xuất xăng có hàm lượng lưu huỳnh thấp, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4.
Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải không những giúp hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn mà còn góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, nó còn góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về vấn đề bảo vệ môi trường. Các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đưa vào sử dụng các sản phẩm có công nghệ hiện đại, dần tiến tới các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhằm tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sử dụng của phương tiện. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học như một cách đa dạng hóa nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở đất nước có nhiều tiềm năng nguyên liệu như nước ta. Theo kế hoạch, trong năm 2011, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/ năm, đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5, vượt chỉ tiêu của đề án Chính phủ đề ra.
Quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải
Cùng với sự trợ giúp của Trung tâm Liên hợp quốc vì sự phát triển khu vực (UNCRD), Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ GTVT thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chiến lược quốc gia về giao thông bền vững thân thiện với môi trường” (ETS). Một trong những mục tiêu của ETS là đến năm 2020, Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 và đến năm 2024 là Euro 5 với hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 50ppm và 10ppm.
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra, ngay từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, đối với xe cơ giới được sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu mới phải áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải theo các TCVN tương đương mức Euro 2 đối với từng loại xe kể từ ngày 1-7-2007. Đối với xe cơ giới mà kiểu loại đã được chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước ngày 1-7-2007 nhưng chưa được sản xuất, lắp ráp thì áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải theo các TCVN tương đương mức Euro 2 đối với từng loại xe kể từ ngày 1-7-2008.
Các loại xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng vào Việt Nam phải áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải theo các quy định: Phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG và các loại tương tự), phương tiện lắp động cơ cháy do nén (động cơ diesel và các loại tương tự) phải áp dụng mức 2 của phụ lục kèm quyết định này kể từ ngày 1-7-2006.
Đối với ô tô tham gia giao thông mang biển kiểm soát của các thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ có lắp động cơ cháy cưỡng bức và động cơ cháy do nén thì phải áp dụng mức 1 tương ứng với từng loại động cơ quy định tại phụ lục kèm quyết định này kể từ ngày 1-7-2006. Ô tô tham gia giao thông mang biển kiểm soát của các tỉnh, thành phố còn lại lắp động cơ cháy cưỡng bức và động cơ cháy do nén phải áp dụng mức 1 tương ứng với từng loại động cơ quy định tại phụ lục kèm quyết định này kể từ ngày 1-7-2008.
Bài, ảnh: Hà Anh

Để thực hiện chủ trương phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ, năm 2007 Bộ Kế hoạch và Công nghệ lần lượt công bố các tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7717:2007 về Ethanol nhiên liệu biến tính để pha vào xăng không chì; TCVN 7716:2007 nhiên liệu diesel sinh học gốc (B100) để pha nhiên liệu diesel. Trên cơ sở đó, các tiêu chuẩn quốc gia về xăng E5 (TCVN 8063:2009) và nhiên liệu B5 (TCVN 8064: 2009) cũng được xây dựng và công bố ban hành. Đến nay, các tiêu chuẩn về xăng, diesel và nhiên liệu sinh học đã được Bộ Kế hoạch và Công nghệ công bố thống nhất trong QCVN 1:2009/BKHCN.

 

Bình luận (0)