Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng chất trường nghề, phát triển nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Trần Văn Thiện
Được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, vinh dự thì nhiều nhưng trách nhiệm của một đại biểu (nếu trúng cử) trước nhân dân còn cao hơn. Chính vì thế, hai ứng cử viên PGS.TS Trần Văn Thiện (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực – Đại học Kinh tế TP.HCM)và TS. Nguyễn Trần Nghĩa (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) đặt quyết tâm: Luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri không chỉ thông qua các đợt tiếp xúc định kỳ mà còn trong công tác hàng ngày để nghiên cứu thực hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền và cùng HĐND tích cực giám sát.
PGS.TS Trần Văn Thiện: Quyết tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Được thành lập năm 2004, dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Trần Văn Thiện, Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lựcđã huấn luyện cho trên một ngàn học viên của các công ty, doanh nghiệp cũng như tư vấn, chuyển giao các dự án cho trên 200 công ty và 12 tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ. Những cán bộ được viện đào tạo kỹ năng hiện nay là lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp, công ty. Những dự án của 12 tỉnh thành cũng góp phần thúc đẩy, hoàn chỉnh về mặt cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính… qua đó giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
Thời gian thành lập viện không dài nhưng với những kết quả về công việc đã đạt được, PGS.TS Trần Văn Thiện đã vinh dự được sự tín nhiệm của lãnh đạo và đồng nghiệp giới thiệu ra ứng cử HĐND TP khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Chia sẻ về niềm vinh dự này, PGS.TS Trần Văn Thiện đặt quyết tâm: “Trong các kỳ họp tôi sẽ tập trung đóng góp ý kiến, chất vấn các vấn đề bức xúc hiện nay của TP; vấn đề cải cách các thủ tục hành chính công để phục vụ nhân dân tốt hơn ở các cấp, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến nhà, đất, hộ khẩu, các thủ tục khai báo,… Vấn đề vệ sinh – môi trường, ách tắc giao thông, mỹ quan đô thị, hướng đến xây dựng trật tự kỷ cương TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch và đẹp; nâng cao chất lượng chăm sóc y tế – chữa bệnh cho nhân dân; phản biện, đóng góp ý kiến vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đặc biệt vấn đề giáo dục – đào tạo: chú trọng việc học tập của con em nhân dân và tuyên truyền nâng cao trình độ dân trí;góp ý, đề xuất các chương trình của thành phố để có bước đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hội nhập quốc tế.
TS. Nguyễn Trần Nghĩa: Tạo điều kiện cho thanh niên học nghề

TS. Nguyễn Trần Nghĩa
Được giới thiệu tham gia ứng cử HĐND TP, TS. Nguyễn Trần Nghĩa đặt ra kế hoạch, hành động nếu được cử tri tín nhiệm: Tham gia xây dựng và tích cực giám sát kết quả thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nhằm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của người dân.Riêng trong lĩnh vực chuyên môn đang công tác, TS. Nghĩa sẽ quan tâm đề xuất thực hiện và giám sát các nội dung như: Phát triển cơ sở đào tạo (CSĐT), đa dạng các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động, thanh niên học nghề, lập nghiệp. Đề xuất TP tập trung đầu tư nâng chất các trường TC, CĐ đạt ngang tầm khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Đến năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 70 %. Triển khai tốt chính sách của Nhà nước về xã hội hóa đầu tư phát triển dạy nghề. Có cơ chế để huy động các thành phần kinh tế đầu tư kinh phí cho đào tạo; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở CSĐT hoặc liên kết với các CSĐT để đào tạo lao động cho doanh nghiệp. Thực hiện nhiều hình thức đào tạo nghề để thuận lợi cho người lao động được học nghề tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh và yêu cầu nâng cao trình độ. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức đào tạo tại chức đối với công nhân, viên chức đang làm việc, muốn nâng cao tay nghề, người lao động khác muốn học thêm nghề hoặc nâng cao khả năng nghề nghiệp, chuyển giao công nghệ. Xây dựng chế độ khuyến khích tự học, tự nâng cao trình độ; tuyên dương, tôn vinh thợ giỏi, lao động kỹ thuật có tay nghề cao. Thực hiện có hiệu quả về cải tiến nội dung, hình thức hướng nghiệp tại các trường THPT, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp phục vụ yêu cầu phân luồng sau bậc trung học…
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)