Tới đây cần phải nâng chuẩn giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT nói chung; trong đó có đổi mới chương trình, SGK nói riêng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như trên tại Hội thảo “Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, khung năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm và vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm” vừa được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn.
Trong công cuộc đổi mới GD-ĐT, yếu tố con người là quan trọng nhất. Cụ thể, với việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK ở nhà trường phổ thông thì vai trò của giáo viên mang yếu tố quyết định. Tuy nhiên, hiện không phải mọi giáo viên đều đáp ứng được yêu cầu này. Bởi vậy, song song với việc tổ chức biên soạn chương trình, SGK, Bộ GD-ĐT cũng đang khẩn trương thực hiện hai đề án: Nâng chuẩn đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm; đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên đang làm việc trong các trường phổ thông.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, yêu cầu sau đợt nâng chuẩn giáo viên và đào tạo lại là giáo viên tự bản thân và có thể hỗ trợ đồng nghiệp cùng thực hiện chương trình, SGK một cách tốt nhất; đồng thời có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động đổi mới chương trình, SGK, đem thực tiễn, hơi thở cuộc sống vào chương trình, SGK mới. Để thực hiện được điều này, vai trò đi đầu của hệ thống các trường sư phạm là rất lớn. Không chỉ phải đổi mới nội dung, phương thức đào tạo mà ngay cả các giảng viên sư phạm cũng phải được nâng chuẩn năng lực nghề nghiệp. Đồng thời, giảng viên sư phạm còn có kỹ năng biên soạn, phát triển chương trình, SGK mới để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo quan sát của các nhà giáo dục, đây là một nhiệm vụ khá nặng nề. Thực tế trong nhiều thập niên qua, xuất phát điểm của đội ngũ giáo viên không phải ở mức cao. Cộng với cách quản lý chương trình, SGK trong trường phổ thông có phần xơ cứng đã chừng mực nào đó không kích thích ngọn lửa sáng tạo của giáo viên. Một bộ phận khá lớn giáo viên có thói quen lệ thuộc vào SGK mà đánh mất khả năng sáng tạo trong khi biên soạn và giảng dạy bài học.
Các nhà giáo dục đề xuất bên cạnh thực hiện các đề án trên, Bộ GD-ĐT cần có một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn. Đó là làm sao để ngày càng có nhiều người giỏi vào trường sư phạm. Giáo viên phải được chọn từ thành phần ưu tú của xã hội. Thật ra giải pháp này không phải là mới, đã được Bộ GD-ĐT tính đến với việc ra đời chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Chủ trương này đã phát huy tác dụng tích cực những năm đầu, điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm tăng cao. Nhưng những năm sau thì không còn hiệu quả do Nhà nước có chương trình tín dụng sinh viên, nhiều sinh viên giỏi được vay vốn để học nên không mặn mà với ngành sư phạm.
Vì thế, để thu hút người giỏi vào trường sư phạm không thể chỉ trông đợi vào chính sách miễn học phí. Các nhà giáo dục cho rằng việc điều chỉnh chế độ tiền lương của giáo viên kèm theo các chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi, khuyến khích người giỏi làm việc trong ngành giáo dục mới là giải pháp có tính bền vững. Thiết nghĩ, đã đến lúc đề xuất này cần được các bộ ngành xem xét, trình Chính phủ thực hiện. Đây là nhiệm vụ cấp bách vì thời gian triển khai biên soạn, áp dụng chương trình, SGK mới vào trường phổ thông không còn xa.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)