Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nâng đỡ cảm xúc làm dịu nỗi đau

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng lạm dụng tình dục (LDTD), đặc biệt LDTD trẻ em hiện đang diễn ra hết sức phức tạp, có xu hướng gia tăng và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Việc nâng đỡ cảm xúc trẻ em bị LDTD sẽ giúp trẻ biết chấp nhận nỗi đau, hướng đến cuộc sống tích cực.

Hai trong 3 thành viên của nhóm: Bảo Hoàng (phải) và Thiên Vũ

Đây chính là kết quả mà nhóm sinh viên Bảo Hoàng, Nhật Lam và Thiên Vũ (Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) mất 8 tháng nghiên cứu lẫn thử nghiệm và đạt được kết quả khả thi.

Biện pháp giúp trẻ biết chấp nhận nỗi đau

Quá trình nâng đỡ cảm xúc trẻ bị LDTD được nhóm nghiên cứu thử nghiệm ở một bé gái tên L. (9 tuổi, nạn nhân bị LDTD) thông qua 4 biện pháp: kỹ thuật trò chơi không hướng dẫn; khơi gợi năng lực tiềm ẩn của khách thể; sử dụng kỹ thuật quán tưởng và biện pháp cuối cùng là giáo dục có trọng điểm một số giá trị sống.

Theo Thiên Vũ, cả 4 biện pháp được thực hiện dựa trên nền tảng của một số liệu pháp tâm lý. Ở biện pháp thứ nhất, hướng dẫn trẻ chơi búp bê, vẽ, xếp hình, thể thao… trong một môi trường an toàn. Qua đây, người nâng đỡ sẽ quan sát, nắm bắt những bộc lộ cảm xúc, hành vi của trẻ, tìm cách động viên để trẻ cảm thấy yên tâm, mạnh dạn giao tiếp, tự do giãi bày suy nghĩ. Trong biện pháp thứ hai, người nâng đỡ chú trọng giáo dục tương tác, nói chuyện nhiều hơn thông qua các câu chuyện cảm động nhằm cải thiện cảm xúc tiêu cực, hướng trẻ cảm nhận cảm xúc tích cực hơn. Còn biện pháp thứ ba, dựa vào vấn đề trẻ đang gặp phải, người nâng đỡ thực hiện quán tưởng, nghĩa là tạo ra một hình ảnh sống động trong tâm trí thông qua môi trường yên tĩnh, quen thuộc, an toàn. Ở biện pháp này kết hợp thêm các bài nhạc thiền, tinh dầu để trẻ có thể thư giãn, cải thiện cảm xúc, hướng đến suy nghĩ tích cực. Riêng biện pháp cuối cùng, người nâng đỡ sẽ thông qua các câu chuyện, bộ phim về lòng can đảm, sự biết ơn… hướng đến trẻ những giá trị sống tích cực. Đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ sắm vai bác sĩ, giáo viên… để trẻ biết mình có những sở thích gì, từ đó làm mục tiêu hướng đến phấn đấu.

Hình ảnh quá trình nhóm thử nghiệm 4 biện pháp nâng đỡ cảm xúc (ảnh nhóm nghiên cứu cung cấp)

Kết quả nghiên cứu, thử nghiệm 4 biện pháp nâng đỡ cảm xúc trẻ bị LDTD của nhóm đã được ban giám khảo Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka 2016 đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa. Hiện tại, một trung tâm bảo trợ trẻ em đã được nhóm chuyển giao đề tài nhằm áp dụng vào thực tiễn.

Nói về kết quả đạt được, Thiên Vũ cho biết: “Trải qua hai tháng được nâng đỡ cảm xúc, cảm xúc tiêu cực của L. đã dần được cải thiện. Từ bé gái ban đầu có hành vi chống đối, nói dối, thiếu lễ phép, phản ứng mạnh với người nâng đỡ, luôn mơ ác mộng, co giật, không dám đi vệ sinh… thì em đã nói chuyện cởi mở, biết nghe lời, vui vẻ, ngủ ngon, giảm các cơn mơ ác mộng. Đặc biệt, em đã bắt đầu tìm kiếm, xác định ước mơ, biết chấp nhận nỗi đau và có sự mong chờ được gặp người nâng đỡ cảm xúc”.

Nhà trường – gia đình – xã hội cùng chung tay

Một trong những lý do khiến cho nhóm Bảo Hoàng, Nhật Lam và Thiên Vũ hướng đến nghiên cứu, thử nghiệm 4 biện pháp nâng đỡ cảm xúc xuất phát từ việc một người em gái của Nhật Lam (nạn nhân bị LDTD) tìm đến cái chết để giải thoát nỗi đau mặc dù không ít lần gia đình can ngăn.

Bảo Hoàng cho biết: “LDTD trẻ em để lại những hậu quả phức tạp, nghiêm trọng lên sức khỏe thể chất và trở thành những vết sẹo tâm lý ảnh hưởng đến đời sống tinh thần các em sau này. Trong số những trẻ bị LDTD, có em bị trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, oán giận bản thân, nặng nhất là tự sát để kết thúc nỗi đau đời mình”. Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 5 năm (2011-2015), cả nước có hơn 8.200 vụ LDTD, với hơn 9.900 nạn nhân bị lạm dụng. Trong đó có 70% vụ trẻ em bị LDTD (hơn 85% trẻ bị lạm dụng bởi người quen)… Kết quả này mới chỉ là phần nổi của các vụ án được phát hiện và xử lý. Việc nâng đỡ cảm xúc cho trẻ bị LDTD góp phần xoa dịu những nỗi đau tâm lý mà trẻ đang hứng chịu, giúp trẻ nhận ra những vấn đề về cảm xúc của mình. Thông qua sự tác động của người nâng đỡ, trẻ sẽ dần có đủ sức chấp nhận, từng bước vượt qua những cảm xúc tiêu cực để hướng đến sự cân bằng về cảm xúc và hòa nhập lại với cuộc sống thường ngày.

Hiện tại nhóm dự định đưa kết quả nghiên cứu vào sách, nhưng trước mắt sẽ là nguồn tư liệu cho các chuyên viên tham vấn tâm lý cũng như phụ huynh tham khảo. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong muốn nhà trường cần thực hiện những chương trình nâng đỡ cảm xúc cho trẻ bị LDTD thông qua sự phối hợp hiệu quả giữa giáo viên chủ nhiệm, tham vấn viên học đường và gia đình có trẻ bị LDTD theo lộ trình. Đồng thời tăng cường việc giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục một cách hiệu quả và thiết thực hơn cho học sinh. Về phía gia đình, cần phối hợp tích cực với chuyên viên nâng đỡ cảm xúc cho trẻ bị LDTD để có những tác động đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả. Còn xã hội cũng phải có nhiều hoạt động đẩy lùi tình trạng LDTD.

Ngọc Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)