Trong đề thi THPT quốc gia năm 2018, chương trình lớp 11 chiếm từ 15 đến 30%, vì vậy học sinh phải có kế hoạch ôn tập thật kỹ mới có thể đạt điểm cao.
Học sinh Trường Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) đặt câu hỏi với Ban tư vấn |
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) cho biết như vậy tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ở Trường Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) vừa qua.
Không cần thiết chọn cả hai bài thi
TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh: “Dù quy chế cho phép nhưng các em không nên chọn cả hai bài thi vì thống kê cho thấy thí sinh làm hai bài thi điểm rất thấp. Việc chọn hai bài thi là không cần thiết, vô tình tạo áp lực cho chính mình”. Cung cấp số liệu tổng quát về việc xét tuyển ĐH-CĐ, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết năm 2017, cả nước có 75% học sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ (TP.HCM có tỷ lệ 95%), riêng Trường Trung học Thực hành tỷ lệ này là 100%. Năm nay việc xét tuyển ĐH-CĐ có thay đổi so với 2017 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đó là không có điểm xét tuyển chung cho các trường ĐH-CĐ mà sẽ do các trường công bố điểm chuẩn đầu vào. Ngoài hình thức xét tuyển mà các trường sử dụng, một số trường ĐH còn tuyển thẳng học sinh giỏi cấp quốc gia và ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh các trường thuộc tốp 100 trường có điểm thi tốt nghiệp cao.
“Dù quy chế cho phép nhưng các em không nên chọn cả hai bài thi vì thống kê cho thấy thí sinh làm hai bài thi điểm rất thấp. Việc chọn hai bài thi là không cần thiết, vô tình tạo áp lực cho chính mình”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) khuyên. |
Một học sinh trong trường đặt câu hỏi: “Em muốn thi vào ngành sư phạm giáo dục tiểu học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng tính cách năng động quá, liệu có phù hợp không? Học ngành này có cơ hội đi du học như những ngành khác không?”. ThS. Lê Phan Quốc (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: “Năng động là một trong những tố chất cần thiết của người giáo viên tiểu học. Với yêu cầu của chương trình giáo dục mới, năng động, sáng tạo cần được phát huy. Như vậy em có thể yên tâm đăng ký xét tuyển ngành này. Hiện trường đang xây dựng đề án liên kết đào tạo với nước ngoài và dự kiến ngành sư phạm giáo dục tiểu học sẽ triển khai đầu tiên”. Tương tự, em Bảo Trân (lớp 12CT) cho biết rất quan tâm đến chương trình liên kết và du học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. ThS. Trần Duy Cang (đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) thông tin: Hiện nay cơ hội học chương trình liên kết hoặc du học là rất cao. Trong số 5.000 chỉ tiêu năm 2018 của trường, bao gồm các chương trình cử nhân tài năng, cử nhân chất lượng cao thì có cả chương trình do nước ngoài đào tạo. Các em có thể chọn chương trình liên kết học tại Việt Nam hoặc chọn thẳng chương trình liên kết để đi du học.
Tại chương trình, TS. Lê Minh Hạnh (đại diện Trường ĐH Việt Đức) cũng giới thiệu đến học sinh chương trình đào tạo do trường ĐH đối tác ở Đức cấp bằng. Theo đó, sinh viên sẽ học tại Việt Nam và có 1-2 học kỳ học tại Đức. Trường xét tuyển theo hai hình thức: Xét điểm học bạ lớp 12 (đạt 7.0) và xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia (tham gia thêm kỳ thi tiếng Anh). Trúng tuyển, sau một năm học chương trình cơ sở, sinh viên sẽ bắt đầu học chương trình của các trường ĐH đối tác hoàn toàn bằng tiếng Anh.
22,5 điểm có khả năng trúng tuyển y đa khoa
Trao đổi với các em học sinh, ThS. Dương Duy Khải (đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết ngành y đa khoa và ngành y học dự phòng của trường không xét tuyển theo điểm học bạ. Học sinh thi duy nhất khối B đạt 22,5 điểm có khả năng trúng tuyển vào ngành y đa khoa; đạt 18 điểm trở lên có thể trúng tuyển ngành y học dự phòng.
Ngày 10 và 11-3, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các trường ĐH, CĐ tổ chức đã diễn ra ở Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh và Trung tâm Văn hóa huyện Long Điền. Cụ thể, ngày 10-3, tại Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh, chương trình đã tư vấn cho học sinh các trường: THPT Nguyễn Huệ, THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THCS-THPT Song ngữ, Trung tâm GDTX Vũng Tàu. Ngày 11-3, tại Trung tâm Văn hóa huyện Long Điền, chương trình tư vấn cho học sinh các trường: THPT Trần Văn Quan, THPT Trần Quang Khải, THPT Long Hải, THPT Minh Đạm, Trung tâm GDTX Long Điền. |
Một học sinh hỏi: “Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa cần điều kiện gì? Học ngành dược tại Việt Nam có thể làm việc hoặc hành nghề ở nước ngoài được không và cơ hội việc làm ngành răng hàm mặt ra sao?”. ThS. Nguyễn Quang Vinh (đại diện Trường ĐH Y dược TP.HCM) giải đáp: “Muốn học chuyên sâu (chuyên khoa) trước hết phải tốt nghiệp ngành y đa khoa. Về câu hỏi liên quan đến ngành dược, tùy vào quốc gia có công nhận bằng cấp của Việt Nam hay không, có nước chỉ công nhận 30%, có nước công nhận đến 70% và cũng có nước không công nhận. Vì vậy, việc hành nghề được hay không còn tùy thuộc quốc gia mà các em đến”. Riêng cơ hội việc làm của bác sĩ răng hàm mặt, ThS. Nguyễn Quang Vinh cho biết năm 2017, thống kê có 95% sinh viên ra trường có việc làm (5% có thể không trả lời thư hoặc đi học cao hơn).
T.Anh
Bình luận (0)