Vừa qua trên một tờ báo có bài viết Dạy kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” đã nói lên được vấn đề rất thực tế, tồn tại hiển nhiên nhiều năm nay ở các trường THCS nhưng chưa có cách tháo gỡ đến nơi đến chốn. Đây là điều bức xúc không của riêng ai mà của cả lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường, đến tổ trưởng chuyên môn và đặc biệt là với giáo viên đứng lớp đối với môn giáo dục công dân.
Bản thân tôi làm tổ trưởng chuyên môn của tổ ngữ văn THCS, tôi rất lo lắng và khổ tâm khi cùng với phó hiệu trưởng chuyên môn phân giờ môn giáo dục công dân. Tất cả giáo viên môn ngữ văn trong trường tôi đều phải dạy kiêm nhiệm môn này vì so với các giáo viên bộ môn khác thì giáo viên dạy bộ môn ngữ văn thuận lợi hơn (đây là cách nghĩ của những người trong ngành). Thậm chí, nhiều lúc, tôi phải trình bày với lãnh đạo chuyển một số tiết giáo dục công dân sang giáo viên ngoại ngữ và sử địa cho đủ số tiết quy định và họ cũng dạy theo kiểu “đuổi gà qua đám giỗ”.
Thật tình mà nói, năm nào cũng vậy, việc phân công để có người đồng ý dạy môn kiêm nhiệm giáo dục công dân trong cả một năm học là tốt rồi và cũng chẳng ai đặt nặng về chất lượng chuyên môn, miễn là giáo viên đủ tiết quy định khi đứng lớp. Bên cạnh đó, phân công giáo viên làm nhóm trưởng môn giáo dục công dân cho từng khối lớp cũng là nỗi khổ tâm không kém vì ai cũng thoái thác cho rằng mình là giáo viên kiêm nhiệm không có chuyên môn sâu, không thể tổ chức sinh hoạt nhóm và ra đề thi nên nhà trường lại phải tiếp tục “bắt cóc bỏ đĩa”.
Môn giáo dục công dân là môn học góp phần định hình thái độ sống, tình cảm của học sinh với những mối quan hệ xã hội để các em trở thành người tốt giúp ích cho xã hội, nó nằm trong cái nôi quan trọng của ngành giáo dục, thế mà cách thức sắp xếp giảng dạy kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như nhiều trường đã làm thì việc đòi hỏi nâng cao chất lượng giảng dạy cho môn học này thật khó mà đạt yêu cầu như mong muốn. Từ thực tế đó, tôi rất mong ngành giáo dục sớm có biện pháp khắc phục cách “chữa cháy” này đừng để nhà trường và thầy cô “nặng lòng” với môn giáo dục công dân và không còn cảnh trăn-trở-này-không-của-riêng-ai.
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)
Bình luận (0)