UBND TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP năm 2022; triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
DDCI – giải pháp đột phá về cải cách hành chính
Tại hội nghị, thông tin về quá trình triển khai đánh giá và kết quả DDCI của TP năm 2022, ông Đinh Tuấn Minh – Trưởng nhóm Tư vấn DDCI, Công ty cổ phần Viet Analytics – cho biết, DDCI được xây dựng dựa trên cơ sở bộ chỉ số PCI. Đây là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số DCCI TP.HCM năm 2022 gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (chiếm 10%); ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (10%); chi phí không chính thức (10%); chi phí thời gian (15%); cạnh tranh bình đẳng (10%); hỗ trợ doanh nghiệp (10%); thiết chế pháp lý (5%); tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của sở, ban, ngành (15%); Vai trò người đứng đầu (15%).
Xếp hạng DDCI TP.HCM năm 2022 đối với khối sở, ngành, đứng đầu là Sở Khoa học Công nghệ với 84,2 điểm; tiếp theo là Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp – 81,87 điểm; Sở Công thương – 80,74 điểm…
Đối với khối địa phương, đứng đầu là quận Phú Nhuận với 78,56 điểm; xếp thứ 2 là quận 11 – 76,87 điểm; quận 10 – 76,67 điểm; quận Tân Phú – 76,16 điểm…
Từ các kết quả DDCI 2022, ông Minh đánh giá, TP.HCM là một trong những tỉnh thành đầu tiên có chỉ số thành phần ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, thể hiện sự coi trọng chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, đối với các sở ngành cũng có những chỉ tiêu liên quan để có thể phục vụ doanh nghiệp, giải quyết được nhiều vấn đề trong thời gian nhanh nhất. Các quận, huyện thì có thêm chỉ số thành phần là khả năng tiếp cận đất đai, ổn định trong sử dụng đất.
Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM – đánh giá cao tính tiên phong và quyết liệt của TP.HCM. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp của TP luôn đi đầu trong cả nước.
“Quan trọng không phải điểm cao, điểm thấp mà là TP.HCM đã xác định được hành động của địa phương trong việc thực hiện. Việc đánh giá DDCI có tác dụng rất lớn để các sở ngành, quận huyện xác định được những hạn chế cụ thể mà người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng. Từ đó, đề ra được các giải pháp đúng đắn trong việc cải cách hành chính”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Đào Minh Chánh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP – cho rằng, việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm và tiếp tục duy trì triển khai DDCI đều đặn trong những năm tới sẽ giúp TP.HCM có cơ sở dữ liệu DDCI đầy đủ hơn để có thể quan sát sự thay đổi, cải thiện của các số và chỉ tiêu cụ thể trong khoảng thời gian dài hơn. Do đó, cần tiếp tục duy trì triển khai DDCI đều đặn trong những năm tới. Chính quyền các cấp cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp để thông tin, chia sẻ về những chủ trương của TP trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số nhằm đồng bộ hóa, kết nối và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trên toàn TP…
DDCI – giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, kết quả phân tích DDCI 2022 là cơ sở để TP tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh TP. Đặc biệt, các kế hoạch chuẩn bị thực hiện trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng của TP để thực sự tạo sự chuyển biến trên thực tế.
“Chúng ta phải cải thiện cho được không chỉ ở chỉ số do các tổ chức đánh giá mà phải bằng sự hài lòng thực sự của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tôi mong lãnh đạo TP, sở ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức thống nhất nhận thức này. TP phải thực sự chuyển biến và có kết quả để chính kết quả đó sẽ là lời giải thích thuyết phục nhất”, ông Mãi nhấn mạnh.
Theo ông Mãi, năm 2022, chỉ số PAPI và PAR INDEX mặc dù có nâng lên vài bậc nhưng chỉ số quan trọng là PCI thì giảm rất nhiều. Điều này cho thấy TP có nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đạt như mong muốn của chính quyền TP, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Do đó, phải tập trung rà soát, thực hiện cách làm khoa học, quyết liệt, đồng bộ để tạo hiệu quả trên thực tế.
Liên quan DDCI 2022, ông Mãi khẳng định, đây là lần đầu TP triển khai. Mặc dù đã có nghiên cứu, tuy nhiên là TP đông doanh nghiệp, khối lượng thủ tục hành chính lớn cho nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vượt qua chính mình. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của TP trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.
Bên cạnh điểm tích cực đạt được, ông Mãi phê bình một số đơn vị, trong đó có Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở GD-ĐT chưa cung cấp danh sách khảo sát làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đánh giá DDCI. Ông đề nghị thủ trưởng các đơn vị này hết sức nghiêm túc rút kinh nghiệm và có kế hoạch, chuẩn bị tâm thế tham gia thời gian tới.
Chủ tịch TP đánh giá, DDCI 2022 của TP dù còn một số hạn chế, thiếu sót ở lần đầu triển khai nhưng cơ bản phản ánh được ý kiến mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp; là cơ sở cho cơ quan hành chính của TP, quận huyện soi vào để có giải pháp nâng cao hiệu quả cải thiện chất lượng công vụ của chính mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Do đó, các sở ngành, quận huyện phải tiếp tục thực hiện và hoàn thiện DDCI TP hàng năm để mỗi năm cho hiệu quả hơn. Đặc biệt, để làm tốt công việc, các cơ quan đang được giao chủ trì thực hiện tiếp tục cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện cho năm nay.
Nói thêm một số công việc cần triển khai trong thời gian tới, ông Mãi đề nghị từng sở ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện các chỉ số PAPI, PAR INDEX, PCI và kế hoạch triển khai DDCI tại cơ quan, đơn vị. Mỗi đơn vị phải có kế hoạch thực hiện; đồng thời quán triệt đến từng công chức, viên chức sở ngành, địa phương thực sự quan tâm đến các chỉ số và thực hiện DDCI.
Đặc biệt, các sở ngành, quận huyện triển khai thực hiện nghiêm Công điện 280 của Thủ tướng Chính phủ về tinh thần trách nhiệm, hiệu quả xử lý hành chính, hội họp, ban hành văn bản. Thực hiện tốt hơn nữa, có kết quả cao hơn nữa việc phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện; nâng cao trách nhiệm từng cơ quan, từng cá nhân. Làm tốt công tác minh bạch thông tin, trách nhiệm. Tăng cường đối thoại chính quyền với doanh nghiệp, kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, quyết tâm khởi động lớp học công tư. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh trực tuyến, tiếp nhận xử lý hồ sơ trực tuyến, chữ ký số, thanh toán. Tập trung công tác tập huấn, đào tạo để cùng thống nhất nhận thức, quy trình thực hiện. Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)