HS Trường THPT Trần Khai Nguyên tham khảo thông tin tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM cung cấp
|
Liên tiếp trong nhiều ngày qua, học sinh lớp 12 các trường THPT Trần Khai Nguyên, Hùng Vương, Nguyễn Du, Võ Trường Toản, Gò Vấp đã được các chuyên gia tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ giải đáp hàng trăm câu hỏi thắc mắc liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011.
Nên dựa theo năng lực để chọn ngành
Đến thời điểm này, nhiều thí sinh (TS) vẫn còn băn khoăn khi “không biết nên chọn ngành theo tỉ lệ chọi hay điểm chuẩn?”. Nói về vấn đề này, ThS. Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết hiện nay, trong cuốn cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 do các báo phát hành đều đăng tải thông tin về tỉ lệ chọi của các trường ĐH trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tỉ lệ chọi của từng trường, từng ngành không cố định theo mỗi kỳ tuyển sinh. Hầu hết đều theo một quy luật: Nếu năm nay trường ĐH A có tỷ lệ TS dự thi đông, điểm chuẩn cao ở những ngành nào thì mùa tuyển sinh tiếp theo, số TS đăng ký vào ngành đó, trường đó sẽ giảm vì đa số TS thường rất sợ những trường có điểm tuyển sinh cao. Thông thường, những yếu tố cấu thành nên điểm chuẩn gồm: Chất lượng đề thi (nếu đề thi khó, điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định cho từng khối thi sẽ hạ và ngược lại, nếu đề dễ, điểm sàn sẽ cao); số lượng TS đăng ký vào từng trường, từng ngành nhiều thì điểm chuẩn sẽ cao và ngược lại; chất lượng TS thi vào. Ba yếu tố này chi phối trực tiếp mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT, từng trường và từng ngành. Thông thường, những trường, ngành có số TS đăng ký đông sẽ có điểm chuẩn cao.
Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh, có những trường tuy số lượng TS dự thi không nhiều nhưng điểm chuẩn vẫn ở mức cao như Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, có tỉ lệ chọi thấp (không quá 1/15) nhưng điểm chuẩn trung bình các năm thường là 23-25đ. Phần lớn TS đăng ký dự thi vào những trường khó, ngành khó đều là những TS có học lực “đỉnh” tại các trường THPT. Do đó, khi cân nhắc việc chọn trường, chọn ngành, TS phải xét hết tất cả các yếu tố trên, phải dựa vào năng lực của chính bản thân để quyết định tương lai cho mình.
Đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng
Nhiều TS bày tỏ thắc mắc về quy chế đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam với trường ĐH nước ngoài. Các TS cho rằng, trường ĐH nước ngoài không “siết” đầu vào, bất cứ ai cũng có thể vào học. Nhưng sau một thời gian theo học, có rất ít sinh viên được tốt nghiệp ra trường. Trong khi đó, tại Việt Nam, quy chế tuyển sinh ĐH rất gắt gao nhưng sinh viên lại ra trường khá dễ dàng. Trả lời vấn đề này, TS. Lưu Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ hợp tác và sau ĐH Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết khoảng 20-30 năm trước, nền giáo dục các nước châu Âu cũng thực hiện quy chế thi chung như các trường ĐH tại Việt Nam. Nhưng đến khi họ cùng sáp nhập vào công ước Bô-lô-nha (công ước cho phép các quốc gia được tự quyền quyết định nền giáo dục của mình và công nhận bằng cấp đào tạo của nhau) thì họ thay đổi quan điểm. Tất cả mọi người dân nếu có nguyện vọng đều được học ĐH. Lúc này, các trường ĐH sẽ tổ chức cách tuyển sinh theo hình thức đăng ký, một số trường xét tuyển theo học lực và thành tích của học sinh. Nhưng trong quá trình học, sinh viên phải đạt điểm tất cả các môn học mới được ra trường, nhận bằng tốt nghiệp. Trình độ đó liên tục được kiểm tra và chương trình đào tạo luôn được cập nhật. Đây là phương thức đào tạo để đáp ứng cho nhu cầu xã hội phát triển liên tục. “Ngược lại, ở Việt Nam, quan điểm của Bộ GD-ĐT là cần phải có một mức độ chuẩn hóa chung để phân chia sinh viên cho các trường ĐH, đồng thời cũng là sự đánh giá nguồn TS từ các tỉnh khác nhau. Tôi cho rằng mỗi quan điểm thường đi kèm theo một giai đoạn phát triển. Chúng ta không nên có sự so sánh với các nước phát triển”, TS. Lưu Nguyễn Nam Hải khẳng định.
ThS. Nguyễn Anh Đức chia sẻ: Các em đừng nên nghĩ rằng, chúng ta chỉ “siết” đầu vào mà không “siết” đầu ra. Nếu hiểu như vậy, nhiều bạn sẽ nhầm tưởng rằng, cứ vào ĐH được là có thể ra trường “an toàn”. “Các em đừng nghĩ rằng mình chỉ bị căng thẳng trong quá trình ôn thi ĐH, CĐ để sau đó thở phào, ngồi ung dung trên giảng đường trong 4, 5 năm là có thể ra trường. Hiện nay, tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bình quân sau một năm học có khoảng 250-350 sinh viên “ra trường” sớm. Còn Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hàng năm có 200-300 sinh viên bị loại, có năm lên tới 500 sinh viên. Đặc biệt, Trường ĐH Đà Nẵng có năm lên tới hơn 600 sinh viên bị loại. Do đó, các em có thể thấy rằng, vào được ĐH đã khó nhưng khi vào học, để trở thành sinh viên khá giỏi, ra trường có thể xin được việc làm tốt thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực liên tục”, ThS. Nguyễn Anh Đức nói.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Hiện nay, tất cả các trường ĐH tại Việt Nam đang trong quá trình tiến tới có những chuẩn mực quốc gia và kiểm định quốc tế. Do đó, trong quá trình đào tạo các trường đều sàng lọc những SV không có ý chí phấn đấu học để loại ra khỏi bộ máy đào tạo”, ThS. Nguyễn Anh Đức nói.
|
Bình luận (0)