Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Năng lực sư phạm… để đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang vừa nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo về hành vi đánh nhiều học sinh (HS) lớp 2A7 trong giờ kiểm tra tại Trường Tiểu học Quán Toàn (Q.Hồng Bàng – TP.Hải Phòng).

Xem đoạn phim ngắn trên các phương tiện thông tin, tôi thấy rất buồn cho một giáo viên đã qua trường lớp sư phạm mà xử sự với các em HS như thế! Khi cô đi tới từng bàn kiểm tra các em viết kịp hay không thì có một số em viết chưa xong…

Thay vì ân cần chỉ bảo, động viên, hướng dẫn nhẹ nhàng thì cô Trang đã làm ngược lại với những hành vi rất phản giáo dục, phản sư phạm! Vừa chửi mắng, cô vừa đưa tay tát thẳng vào mặt, vào đầu học sinh… Chưa hết, cô còn cầm cây thước dài, đi kiểm tra từng bàn, em nào viết chưa xong thì bị vụt vào đầu, vào chân…

Không biết cô Trang vào nghề đã lâu chưa mà kinh nghiệm xử lý tình huống quá kém! Sự dịu dàng cần thiết của một cô giáo không có mà dư thừa sự nóng nảy, bực tức trước những lỗi nhỏ của các em! Tôi thấy không khí giờ học quá căng thẳng. Thương cho các em học trò ngây thơ, em nào cũng tỏ ra sợ hãi, co rúm người lại, sợ đến lượt mình bị đánh, bị bạt tai…

Xin hỏi năng lực sư phạm của một nhà giáo để đâu? Học sinh lớp 2 còn quá nhỏ, quá non nớt; lẽ ra cô giáo phải là người mẹ hiền, chăm chút các con mình từng ly từng tý mới xứng đáng là người của ngành sư phạm.

Có lẽ cũng đã nhiều lần cô giáo Trang có hành vi đánh HS như thế nhưng chưa bị phát hiện hoặc có biết nhưng nhà trường chưa góp ý đến nơi đến chốn nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc này!

Thông thường, trong một tập thể sư phạm; ai dạy HS như thế nào, đối xử với HS như thế nào thì mọi người ít nhiều đều biết; không phải mỗi người sống biệt lập một “ốc đảo” mà không ai biết!

Trách nhiệm đầu tiên là cô Trang, tiếp theo đó là trách nhiệm của chi bộ nhà trường (nếu có), của BGH nhà trường; trách nhiệm của công đoàn cơ sở, của tổ chuyên môn… Tất cả đã buông lỏng quản lý, chưa kiểm tra sâu sát tình hình giảng dạy, học tập của từng lớp cũng như đi sâu vào tìm hiểu tư tưởng, tình cảm, tâm tư của đội ngũ giáo viên để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn…

Ngành sư phạm luôn đòi hỏi cao về phẩm chất của người thầy. Bên cạnh năng lực chuyên môn là năng lực sư phạm phải đạt chuẩn, phải vững vàng mới làm tròn thiên chức “trồng người” của mình. Vì vậy ngành giáo dục thường nêu cao những khẩu hiệu hành động như “Tất cả vì HS thân yêu!” hoặc “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Khi đã bước chân vào nghề dạy học, cái “tâm” của giáo viên trước hết là yêu thương trẻ, yêu và gắn bó với nghề.

“Công việc của người thầy giáo cũng chẳng khác gì với công việc của người làm vườn; đối với hạt giống, những mầm non, phải chăm chút từng ly, từng tý, hết sức kiên nhẫn thận trọng” . “Càng yêu người bao nhiêu, thì càng yêu nghề bấy nhiêu” – lời dạy của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn là bài học đời sâu sắc cho mỗi thầy cô giáo.

Hng Lam Sơn (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)