Nhiều phụ nữ có năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý, nhưng yêu thì…
“Tụi em kết thúc rồi. Em quá mệt mỏi rồi. Có khi nào số em suốt đời phải gặp những cuộc tình không có tương lai?”. Đó là “tin báo chia tay" gần nhất Ý gửi cho tôi. Người yêu của Ý là một chàng trai người Đức, khá nhã nhặn, hài hước và thông minh. Tôi tưởng Ý đã thoát khỏi cái kịch bản yêu đương đã vận vào nàng từ thuở 18 tuổi – “hễ nhắc đến chuyện cưới xin là… chia tay".
Nhưng đọc câu cảm thán về “những cuộc tình không có tương lai" của Ý, tôi biết mình đã nhầm. Cái kịch bản “yêu – bàn chuyện đám cưới – chia tay" này tôi đã chứng kiến quá nhiều lần. Mỗi lần như thế, cô bé lại càng tin rằng, “số mình bất hạnh đường tình duyên". Và dù tôi có cố gắng lý giải đến đâu thì hễ yêu lại, Ý lại rơi vào kịch bản đó. Nhìn Ý xinh đẹp, hiện đại và giỏi giang thế, không ai ngờ, suốt thời thanh xuân rực rỡ, Ý cứ bị tình yêu làm cho "lên bờ xuống ruộng" và hoài nghi bản thân. Tự kiểm điểm, thấy mình không thua kém ai về bất cứ điều gì, lại biết yêu chân thành, hết sức vun vén cho tình yêu nhưng cứ yêu đến đoạn sâu sắc là chia tay, Ý càng tuyệt vọng “cái số em vậy rồi".
Yêu vì tương lai
Cũng chuyện “cái số", ở tuổi 33, chị họ tôi tuyên bố: “Tao nghỉ yêu đây". Có lẽ tôi sẽ nghĩ đó chỉ là câu tuyên bố thường tình của người vừa chia tay, nếu chị không thòng thêm: “Số tao không gặp được thằng nào ra hồn đâu. Tao chiến với ông trời sao cho lại". Quả thực, chị họ tôi xứng đáng là biểu tượng của những cô gái “chia tay còn nhiều hơn… đi chợ".
Chị xinh xắn, thông minh, có một công việc tốt và quan hệ rộng nên việc có người yêu không khó. Có điều, hình mẫu đàn ông của chị là “nam tính", là “bờ vai an toàn". Nhưng mọi cuộc tình đều không bước nổi qua tháng thứ ba. Tự nhận mình “nhạy cảm và tỉnh táo đến phát bực", chị không vượt qua nổi những lần thấy… mất hứng, mất hy vọng, chỉ vì một chi tiết tiêu cực nhỏ nhoi nào đó từ đối tác – từ chàng trai tần ngần khi thanh toán hóa đơn nhà hàng cho đến người đàn ông U40 vẫn bối rối, vụng về trước ba chị. Dẫu “đơn phương mất hứng", chị cũng bị dằn vặt, đau khổ với cảm giác thất vọng: “Dù anh ấy bủn xỉn hay vì anh ấy nghèo, chị cũng không thấy an toàn khi ở bên người như thế".
Lần thất vọng khi anh kỹ sư tài giỏi của mình lại trở nên hiền lành quá mức trước cha vợ tương lai, chị cũng lý giải: “Ba là người chị nể sợ nhất, nên chị chỉ thấy an toàn nếu người đàn ông của đời chị có thể ngẩng cao đầu, dõng dạc trước ông".
“Định mệnh bất hạnh” hay “năng lượng bất hạnh"?
Tôi từng biết nhiều kiểu khổ vì tình, lặp đi lặp lại như… “có huông”. Có người, yêu ai một thời gian cũng nhận ra mình bị lợi dụng. Có người, dù qua bao nhiêu mối tình, dù gặp người đàn ông thế nào thì yêu đương mặn nồng một thời gian, chàng cũng dần lười biếng, ỷ lại; biểu hiện kinh điển nhất là sẵn sàng thất nghiệp để… bạn gái nuôi. Có người “đi đâu cũng gặp đàn ông lăng nhăng"…
Những bi kịch “có huông" đó đều có điểm chung là sau mọi đổ vỡ, người ta chỉ thấy mình… “xui quá" hoặc “sao người tệ bạc cứ tìm đến với mình”. Họ đưa bản thân khỏi mọi lý giải về bất hạnh của mình. Khi Ý tâm sự chuyện “người yêu không chịu cưới" hay khi chị họ tôi than phiền những anh chàng “không cho chị cảm giác an toàn", nỗi bất hạnh đó đều như “trên trời rớt xuống", bởi nói về bản thân thì cả Ý và chị đều là những cô gái tốt. Chỉ là, họ đã tìm trong cuộc tình những điều không thuộc về tình yêu.
Chỉ cần nhìn từng cuộc tình của Ý theo hướng ngược lại, ta sẽ thấy một bi kịch khác, bởi hễ yêu đương dăm ngày là Ý lại… đòi cưới. Ý như bị tương lai ám ảnh. Ý không mộng mơ chuyện tương lai kiểu con gái bình thường. Ý hoạch định hẳn hòi và quan niệm rõ ràng “hễ yêu là phải cưới”. Yêu đương hồn nhiên được chừng một tháng, Ý sẽ bắt đầu hỏi: anh định mình sẽ sống ở đâu, đám cưới thế nào, anh chuẩn bị gì cho điều đó chưa? Nếu đàng trai còn ngờ nghệch, Ý sẽ trình bày hẳn những đề xuất chi tiết và cực kỳ khoa học của mình. Nếu chàng trai vượt qua kỳ “sát hạch” ban đầu đó và thỏa hiệp với kế hoạch của Ý, những ngày tiếp theo của cuộc tình sẽ chỉ tập trung vào… thực hiện kế hoạch, tiến tới đám cưới.
Còn nhớ, hồi Ý là sinh viên năm cuối, lúc từ Nhật về Việt Nam nghỉ hè, Ý quen một anh bác sĩ, quê gốc Bình Dương. Thời gian ở Việt Nam ngắn ngủi, nên vừa quen nhau, Ý đã đề nghị được về thăm nhà cha mẹ anh. Suốt mùa hè năm đó, Ý hầu như dành toàn bộ thời gian để kết thân với nhà chồng tương lai. Chàng là trai trưởng, gia đình còn nặng truyền thống nho giáo nên nàng dâu phải “học" rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Nhưng, sau mùa hè “học” và “thực tập” làm dâu ở tận Bình Dương đó, Ý không phải thêm bất kỳ “học kỳ làm dâu" nào nữa. Lúc Ý chuẩn bị quay lại Nhật, anh đề nghị chia tay. Sau này, khi cả hai đã đủ bình thản để làm bạn với nhau, anh mới chia sẻ: từ ngày đưa Ý về gặp mẹ, anh cảm giác mình đã mất người yêu. Ý hòa nhập rất nhanh với gia đình anh, trở thành bạn của cha mẹ anh và Ý hành xử, nói năng về đám cưới, về tình yêu giống như cha mẹ anh, khiến đám cưới như trở thành một “chỉ tiêu” của phụ huynh giao cho và anh không còn cảm nhận được không khí yêu đương giữa hai người nữa. Lúc tâm sự với tôi, Ý buồn bã kết luận: “Chị thấy không, tụi em không hợp nhau vì ảnh không biết hy sinh đủ cho tương lai".
Năng lực yêu thương
“Cuộc tình có tương lai" là gì khi nó khiến người ta chăm chú đi tìm mà bỏ mất từng thời khắc yêu đương hiện tại? Nguyện ước được “có tương lai" là chính đáng trong mọi hoàn cảnh, không chỉ trong tình yêu. Thế nhưng, tình yêu cũng giống như một sinh thể có sự sống độc lập. Cảm xúc của con người cũng có những diễn biến độc lập mà chính chủ nhân của nó cũng bất khả can thiệp. Một khi đã bước vào tình yêu với tư thế của một người đang kiếm tìm điều gì khác, người ta sẽ dễ can thiệp thô bạo vào những diễn biến tự nhiên của cuộc tình, của cảm xúc. Ý lo kiếm tìm tương lai. Chị họ tôi thì kiếm tìm một người đàn ông nam tính, một cảm giác an toàn và một người đàn ông nào đó có thể kiếm tìm một phụ nữ nhu mì, đảm đang. Thậm chí, nghịch lý nhất, nhưng lại chiếm đa số: những kiếm tìm của phụ nữ trong tình yêu là cảm giác được săn sóc, được nuôi nấng người đàn ông của mình.
Người trọng tương lai dễ bóp chết hiện tại. Người kiếm tìm sự nam tính, sự an toàn hay sự nhu mì, đảm đang… dễ trở nên xét nét, thiếu thấu hiểu, nhạy cảm thái quá và có thể khiến cuộc tình chết ngạt. Còn người sẵn có năng lượng chăm sóc mãnh liệt dễ biến tình yêu thành… tình mẫu tử mù quáng, dễ đào tạo đối tác thành kẻ thụ thưởng, biếng lười.
Nhớ lần đầu thất tình, tôi đã khóc, đặt ra hàng trăm câu hỏi “phải làm sao" với ba tôi. “Làm sao để hiểu người", “làm sao để trưởng thành hơn", “làm sao để không làm điều ngu ngốc với người mình yêu quý"… Giờ ông đã mất, nhưng lời ông vẫn theo tôi trên hành trình trải nghiệm: “Không làm sao cả. Tại sao phải hiểu người? Con có thể sống cả đời mà không thể hiểu hết một người, vì con chỉ cần hiểu chính con. Chừng nào hiểu mình đủ, nghĩa là con đã trưởng thành. Người trưởng thành sẽ để mọi thứ tự nhiên. Chừng nào con sống tự nhiên mà vẫn thấy thoải mái thì con gặp đúng người của con rồi".
Tình yêu và mọi mối quan hệ trên đời có lẽ đều vậy. Người ta chỉ nên bước vào đó bằng cảm giác đủ đầy về bản thân, bằng sự trưởng thành tâm hồn thực sự, để không thấy mình “thiếu", dù là “thiếu tương lai", “thiếu an toàn" hay “thiếu cảm giác được chăm sóc". Khi đó, người ta sẽ ngưng kiếm tìm điều gì khác ngoài những tương tác yêu đương, những khám phá thú vị, những giao hòa, những dựng xây tự nhiên với người nọ; để đối tác không phải gánh thêm gánh nặng nào khác mà ta đang kiếm tìm; để bất hạnh trong cuộc tình, nếu có, cũng là bất hạnh nảy sinh trong tình yêu, chứ không phải cái bất hạnh đã có trước cuộc tình, bởi những người tình chưa-đủ-năng-lực-yêu.
Rốt cùng thì tình yêu cũng giống một cuộc thuần dưỡng nhau – một cuộc thuần dưỡng bằng năng lượng vốn có trong mỗi người – tự nhiên, hồn nhiên và hầu hết nằm ngoài toan tính của con người. Bởi thế, đôi khi người ta chủ ý thuần dưỡng đối tác thành một người nam tính, muốn dựng xây một cảm giác an toàn nhưng năng lượng kiếm tìm cực đoan dễ tạo ra cảm giác thiếu thốn, bất an và phản chiếu một đối tượng dặt dẹo. |
Thanh Tân/Phunuonline
Bình luận (0)