Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nâng lương tối thiểu – Áp lực mới cho doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối quý 3, đầu quý 4 được xem là mùa sản xuất bận rộn nhất trong năm của các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày xuất khẩu (XK) vì đây là thời điểm chuẩn bị đơn hàng cho mùa mua sắm cuối năm. DN dệt may, da giày kỳ vọng sẽ khá hơn, thế nhưng tính đến thời điểm này hy vọng đó đã không thành hiện thực. Hoạt động sản xuất đang trong tình cảnh “nửa tỉnh, nửa mê”, DN lại phải chuẩn bị cho lộ trình tăng lương tối thiểu vùng sẽ thực hiện vào đầu năm 2013.

Sản xuất giày xuất khẩu sang EU tại Công ty Giày Liên Phát. Ảnh: Hà Nhai

Xuất khẩu chưa sáng

Dệt may, da giày – 2 ngành XK chủ lực của Việt Nam (VN), giải quyết việc làm cho khoảng 4,4 triệu lao động trên cả nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong XK. Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng năm 2012, XK dệt may chỉ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 10,8 tỷ USD; da giày đạt 4,77 tỷ USD, tăng 13,5%.

Theo các DN, tất cả 3 thị trường XK chính Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm, hàng tồn kho vẫn còn. Ở thời điểm giữa năm, khi đơn hàng giảm sút mạnh, các DN vẫn kỳ vọng nhà nhập khẩu sẽ tăng lượng hàng để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Thế nhưng tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa. Tại thời điểm này, khi trao đổi với nhiều DN dệt may, da giày, được biết, đơn hàng vẫn chưa nhích lên, nhà nhập khẩu vẫn chưa có động thái nào trong việc tăng lượng hàng XK. Nếu thời điểm này nhà nhập khẩu không đặt hàng thì xem như đã qua thời hạn sản xuất cho mùa mua sắm lớn nhất vào cuối năm.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương) cho biết, các đơn hàng sản xuất cho mùa đông đang vào giai đoạn cuối vụ (hoàn thành, đóng gói). Xong đợt hàng này thì tần suất làm việc sẽ trở lại bình thường, không còn tăng ca như trước. Hiện nay, mức lương bình quân của lao động ở đây được trả khoảng 5,5 – 6,5 triệu đồng/tháng/người. Nếu trở lại sản xuất bình thường, thu nhập sẽ giảm xuống. Nhiều DN cho biết, tâm lý lao động vẫn thích được tăng ca, vì có tăng ca thu nhập mới tăng lên, lao động cũng đỡ được chi phí cho bữa ăn chiều. DN có hàng để làm, tăng ca, lương cao hơn thì tình hình lao động không bị xáo trộn.

Khó cho doanh nghiệp

Tình hình sản xuất, kinh doanh đã khó khăn, trong khi đó, chi phí đầu vào liên tục biến động theo chiều hướng xấu với việc giá điện, xăng dầu liên tục tăng đã khiến DN càng khó khăn hơn. Hầu hết DN đang cố cầm cự để kiếm việc làm cho lao động và cũng để giữ chân lao động. Đang trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” như hiện nay, DN sản xuất có đông lao động như dệt may, da giày thêm lo lắng trước phương án tăng lương tối thiểu vùng vừa được Bộ LĐTB-XH thông tin, lấy ý kiến và dự kiến sẽ chính thức áp dụng vào ngày 1-1-2013.

Theo đề xuất, lương tối thiểu ở 4 vùng sẽ được điều chỉnh tăng theo 2 phương án, tăng 36% (phương án 1), 25% (phương án 2). Cụ thể, DN ở vùng 1 phía Nam gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng từ mức 2 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,5 – 2,7 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán của các DN, với mức tăng mới này, tổng quỹ lương của DN sẽ phải chi tăng lên 30%. DN không chỉ chi thêm 500.000 – 700.000 đồng/tháng theo mức tăng mới mà khi tính hệ số, tăng ca, các chi phí về bảo hiểm khác cũng tăng lên… thì tổng mức chi lên khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), bức xúc: “Giữa DN, hiệp hội và các bộ, ban, ngành đã có nhiều cuộc đối thoại về vấn đề này nhưng dường như các bộ, ban, ngành đã “phớt lờ” những ý kiến đóng góp của DN, hiệp hội. Quan điểm “điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực DN nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu” là cách nói xuôi tai! Thực tế hiện nay, DN ở vùng 1 TPHCM đã trả lương cho người lao động cao gấp 2,3 lần so với mức lương tối thiểu vùng”. Việc chăm lo, nâng cao đời sống cho người lao động là việc sống còn của mỗi DN, tự thân các DN đã nhận thức rõ điều này.

Vào lúc này, không nên đặt vấn đề tăng lương tối thiểu và dồn cái khó về phía DN. Tại sao không bàn đến việc làm cho kinh tế tốt hơn, chính sách hỗ trợ DN như thế nào trong khó khăn này…? DN có sản xuất tốt thì người lao động mới sống khá hơn được. Nếu người lao động được tăng thêm vài trăm ngàn đồng mà vật giá bên ngoài tiếp tục tăng lên thì liệu người lao động có thật sự được hưởng lợi và đủ sống như mục tiêu đề ra?

Hiện nay, giá nhân công của VN ở mức cao trong khu vực châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Trong khi đó, năng suất lao động lại thấp. Việc điều chỉnh nâng lương trong giai đoạn khó khăn hiện nay sẽ đẩy giá nhân công tăng cao hơn, làm cho thị trường VN kém cạnh tranh với các nước trong khu vực. Liệu nhà nhập khẩu có ở lại với DN dệt may, da giày VN?

Mỹ Hạnh (SGGP)

Bình luận (0)