Sáng 26/8, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu giảng dạy.
Các đại biểu chia sẻ tham luận tại Hội thảo quốc gia môn Lịch sử
Chia sẻ tham luận tại Hội thảo, GS. TS Nguyễn Thanh Bình đánh giá những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới trong nội dung Lịch sử của môn Lịch sử – Địa lý.
Đối với bậc Tiểu học và THCS, ông Bình cho rằng chương trình môn Lịch sử đã lồng ghép giữa lịch sử thế giới với lịch sử khu vực, lịch sử dân tộc, không còn tách biệt như chương trình 2006 (chương trình cũ). Nội dung chương trình khá toàn diện.
Đối với riêng bậc Tiểu học, chương trình hướng tới tích hợp sâu, phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 4, lớp 5.
Đối với THCS, chương trình được viết theo thông sử.
Đối với THPT, chương trình được thiết kế theo chủ đề chuyên đề lịch sử. Ở lứa tuổi này, các em có nền tảng thể lực và có khả năng nhận thức những vấn đề sâu và bản chất của lịch sử.
"Có thể khẳng định hướng đi của chương trình là đúng, đổi mới, đã khắc phục được những hạn chế của chương trình đồng tâm trước đó, tránh được sự nhàm chán của học sinh", GS Bình nói.
Nhưng ông cũng chỉ ra một số hạn chế của chương trình nội dung Lịch sử ở bậc THCS, THPT.
Theo ông Bình, nội dung Lịch sử ở cấp THCS khá nặng so với lứa tuổi học sinh. Nhưng một khối lượng kiến thức gần như của THPT trước đây được dồn nén vào THCS.
Nội dung kiến thức nặng nề nhất là lớp 9. Khi biên soạn SGK Lịch sử lớp 9, hầu như các tác giả đều nhận thấy điều này. Nhiều người còn so sánh với chương trình lịch sử lớp 10, 11 (phần chủ đề đã sửa đổi) thì nội dung kiến thức chương trình lịch sử lớp 9 có cảm giác nặng hơn.
Cũng ở bậc THCS, có những nội dung kiến thức thừa, lặp lại trong chương trình các lớp.
GS Bình lấy ví dụ như chương trình môn Lịch sử – Địa lý lớp 7 trong phần thông sử có đề cập đến các cuộc phát kiến địa lý, sau đó lại được đề cập đến trong phần chủ đề (tuy có đi sâu hơn)… Nhưng ông Bình cho rằng vấn đề đáng bàn nhất là phần chủ đề chung lớp 8, 9: "bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông" với yêu cầu cần đạt về quá trình xác lập chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong lịch sử, những chứng cứ lịch sử xác lập chủ quyền ở hai khối lớp không phân biệt được rạch ròi, các tác giả biên soạn SGK rất khó khăn trong xử lý, làm rõ sự khác biệt yêu cầu này ở hai khối lớp.
Hay như một số yêu cầu cần đạt quá khó đối với lứa tuổi học sinh THCS hoặc chưa chuẩn gây tranh cãi. Ví dụ như mô tả và giải thích được sự phân hóa không triệt để của xã hội nguyên thủy phương Đông. Đối với học sinh lớp 6, thì đây là yêu cầu cao và khó…
GS Đỗ Thanh Bình cũng chia sẻ những bất cập của chương trình cũng đặt ra bài toán khó cho tác giả viết sách giáo khoa.
Từ đó, ông Bình đưa ra kiến nghị trong quá trình triển khai nên sớm tổng kết thực tiễn, khẳng định mặt tốt của chương trình và cũng chỉ ra những hạn chế của chương trình, về tổ chức dạy – học, về kiểm tra, đánh giá, về sự đáp ứng của giáo viên,… để tham mưu kiến nghị cho Bộ GD&ĐT.
GS Bình cho rằng có thể những vấn đề đặt ra sắp tới là sớm phát triển (chỉnh sửa) chương trình cho chuẩn và phù hợp; tăng cường tập huấn giáo viên ở các cấp học về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và kĩ thuật dạy học lịch sử, về kiểm tra, đánh giá; sớm viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên.
Bình luận (0)