Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nặng nề tiết sinh hoạt dưới cờ

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh hoạt dưới cờ sau lễ chào cờ được xem là “tiết học lớn” mỗi tuần nhưng ở hầu hết các trường đều diễn ra nặng nề, khô cứng, nhàm chán khiến học sinh cảm thấy sợ sệt khi phải tham dự.

Học sinh thường chán nản, ngao ngán trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh thường chán nản, ngao ngán trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Lại phải nghe thuyết giáo rồi !”
Với câu hỏi: “Em có thích giờ chào cờ không?”, chúng tôi thực hiện khảo sát bỏ túi với 10 học sinh (HS) tại các quận: 1, 2, 3, 4, Tân Bình, Gò Vấp (TP.HCM). Kết quả thu được cho thấy có 8 HS thẳng thắn trả lời “không”, 2 HS nói “không quan tâm”.
Một HS của Q.3 than thở: “Sau nghi lễ chào cờ, tuần nào cũng vậy, ban giám hiệu nhận xét về các hoạt động của tuần trước, xếp hạng các lớp. Còn giám thị thì nêu những sai phạm về đồng phục, giờ giấc nên chỉ những bạn ngồi hàng đầu trật tự, không dám nói chuyện chứ những hàng cuối các bạn luôn nói chuyện, không chú ý đến thông tin thầy cô nói”.
Khảo sát ở Hà Nội, kết quả cũng tương tự. Một HS lớp 7 Trường THCS Giảng Võ ngạc nhiên khi phóng viên Thanh Niên hỏi có thích giờ chào cờ hằng tuần không. “Có gì đâu mà thích ạ, tuần nào chẳng giống tuần nào, có gì hấp dẫn đâu”, HS này trả lời đầy chán nản. Đây cũng là nhận xét của rất nhiều HS từ tiểu học đến THPT về giờ chào cờ. Có phụ huynh còn kể: “Sáng thứ hai gọi con dậy đi học, thay vì hào hứng đến trường thì cháu lại buông một câu: Chán thế, hôm nay lại phải nghe thuyết giáo rồi!”.
Chỉ toàn phê bình, trách mắng
Dù ở địa phương nào nhưng hầu hết các trường đều tổ chức buổi sinh hoạt đầu tuần theo một kiểu giống nhau. Sau nghi lễ chào cờ và hát quốc ca là đến phần… giáo huấn học trò. Thầy cô tổng phụ trách lên nhận xét về hoạt động của trường trong tuần qua, lớp nào được khen, lớp nào bị phê bình. Đặc biệt, nếu HS nào phạm lỗi mà nhà trường cho là nghiêm trọng thì còn bị bêu tên dưới cờ, kèm theo đó là một bài giáo huấn rất căng thẳng về đạo đức, lối sống, về nội quy của trường…
Một học sinh Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông cho biết: Có lần một vài bạn bị phê bình rất gay gắt ngay trong buổi chào cờ chỉ vì bấm “like” (thích) một nội dung mà nhà trường cho là không tốt trên Facebook. “Chúng em cũng đồng ý là nên nhắc nhở nhưng chỉ nên nói về hiện tượng đó để HS rút kinh nghiệm chứ không nên nêu tên các bạn như tội đồ trước toàn trường như vậy”.
Rồi một loạt hành vi mà HS không được làm sẽ lặp đi lặp lại vào các giờ chào cờ như: không được đi xe máy (với cấp THPT), không được xả rác bừa bãi, không được nói tục, chửi bậy, đánh nhau… khiến HS thuộc lòng đến chán nản. Giờ chào cờ nhiều khi còn biến thành giờ để “soi” HS mặc đồng phục đúng chưa, đầu tóc thế nào… Nếu phát hiện em nào mặc đồng phục không đúng quy cách là phê bình, kỷ luật.
Thực tế này không những khiến HS chán nản mà còn làm nhiều HS có tâm lý sợ sệt, coi ngày thứ hai đầu tuần là nỗi ám ảnh. Một nhóm HS Trường THCS Bình An (Q.2, TP.HCM) tỏ ra mệt mỏi, sợ sệt vào mỗi giờ chào cờ sau khi có kết quả thi giữa kỳ vì ban giám hiệu công bố tên những HS yếu kém của từng môn học. Dù không nằm trong diện bị nêu tên nhưng một HS lớp 9 của trường này phản ứng: “Chúng con quá mệt khi ngày đầu tuần mà cảm giác cơ thể cứ phải căng lên vì phải sống trong bầu không khí nặng nề. Còn các bạn bị “bêu tên” thì quá xấu hổ. Tụi con cũng đã lớn, rõ ràng học dở thì bị thầy cô la mắng nhưng đâu phải như vậy sẽ giúp học tốt hơn”.
“Tiết học lớn” cứ như vậy biến thành giờ rao giảng đạo đức rất khô cứng và phản tác dụng, nhiều ý nghĩa răn đe mà thiếu sự động viên, khích lệ.
Một HS lớp 11 chuyên văn Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nói: “Tâm lý chung ai cũng vậy thôi, buổi sáng, nhất là sáng đầu tuần chúng em muốn được “tiếp sức” cho một tuần mới hiệu quả bằng những hoạt động vui tươi mà chúng em được tham gia vào chứ không phải chỉ ngồi nghe thuyết giảng. Nếu làm được như vậy thì tâm lý cả thầy và trò đều rất phấn chấn, vui vẻ, muốn làm được nhiều việc có ý nghĩa trong tuần”.
Phản tác dụng
Do HS tham gia buổi chào cờ đầu tuần miễn cưỡng, chán nản nên dẫn đến việc thiếu tập trung, không quan tâm đến những lời “rao giảng” của thầy cô. Điều này ai cũng nhận thấy nhưng ít người chịu thay đổi.
Một giáo viên THCS tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) nhìn nhận: “HS mất trật tự, ít tập trung, giáo viên quản nhiệm, giám thị phải thường xuyên phải nhắc nhở”. Còn một giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) cũng ngán ngẩm nói: “Tuần nào cũng như vậy, cứ xếp hạng các lớp, nhận xét về nền nếp, nhắc nhở sai phạm của HS thì đến người lớn còn chán hỏi sao HS không ngán”. Một phụ huynh của Trường THCS Bình An (Q.2, TP.HCM) bức xúc: “Giờ chào cờ không phải là dịp để bêu riếu HS. Đây là cách làm phản sư phạm. Muốn HS học tốt hơn thì phải tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách khuyến khích, động viên chứ hình thức của trường như vậy chỉ làm HS mất động lực học tập”.
Mỉa mai là có hiệu trưởng còn sử dụng phần phát biểu, nhắc nhở HS toàn trường trong giờ chào cờ như một giờ dạy học và tính vào phần phụ cấp đứng lớp nhưng lại không biết rằng HS đã quá ngao ngán với những giờ lên lớp như thế này.
Ý kiến:
Cần tổ chức các hoạt động bổ ích
Lâu nay Sở GD-ĐT cũng luôn khuyến khích chỉ đạo các trường cần tận dụng những buổi sinh hoạt dưới cờ để tổ chức các hoạt động bổ ích, cho HS được tham gia, được trải nghiệm thay vì chỉ ngồi nghe những bài thuyết giảng nặng nề, khô cứng. Tuy nhiên, làm được hay không phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo và tổ chức đoàn thể của mỗi trường.
Nguyễn Hiệp Thống
 (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)
Nên cung cấp thông tin và kỹ năng cần thiết
HS lứa tuổi tiểu học rất nghe lời giáo viên, tuy nhiên cũng không nên để trẻ tiếp nhận nội dung sinh hoạt có tính chất quá tuổi của các em. Nên tổ chức thành trò chơi, các câu đố để cung cấp thông tin phù hợp và kỹ năng cần thiết.
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp 
(Nguyên Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM)
Phải xuất phát từ tâm lý học sinh
Các trường chỉ hướng đến mục đích là ban giám hiệu và giáo viên muốn gì mà thôi. Trong khi để tạo sự hứng thú với học trò thì nội dung phải xuất phát từ tâm lý của người tiếp nhận. Để HS mong đợi giờ chào cờ, người tổ chức phải hiểu, nắm bắt được tâm lý HS thông qua nhiều kênh giao tiếp khác nhau. Đừng quên kết hợp những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu, có tính chất giáo dục gắn liền với sự chuyển động của xã hội.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An 
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

Tuệ Nguyễn – Bích Thanh/TNO

Bình luận (0)