Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nặng nợ với học trò chuyên tin

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
“Việt Nam giành huy chương vàng rồi. 8 năm trời chờ đợi mới lại chiến thắng ở kỳ thi Olympic Tin học quốc tế”. Giữa trưa một ngày đầu tháng 8, chúng tôi được TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu TPHCM gọi điện thoại thông báo khi đội tuyển Việt Nam có học sinh đoạt huy chương vàng.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng với các học trò tại Trường THPT Năng khiếu TPHCM. Ảnh: Tiêu Hà

Làm thầy, làm mẹ

Vừa theo dõi kết quả chấm thi trực tuyến trên website của cuộc thi, thầy Nguyễn Thanh Hùng lại hồ hởi: “Học sinh của Trường THPT Năng khiếu chỉ đoạt huy chương bạc nhưng đó là nỗ lực hết mình của các em. Quan trọng là Việt Nam sau 8 năm, đã có học sinh đoạt huy chương vàng. Điều này sẽ khích lệ tinh thần rất lớn, giúp những học sinh vào đội tuyển sau này lấy lại niềm tin”.
Hết kể chuyện đi thi của những học trò mới, thầy lại cập nhật bước đi của từng thành viên trong đội tuyển tin học những năm trước. Mỗi lần gặp thầy lại là những câu chuyện dài về những học sinh giỏi. Thầy say sưa kể tên từng học trò chuyên tin cùng với những hoàn cảnh vui buồn của từng em. Bởi vì như thầy tâm sự, dù làm giáo viên hay quản lý, thầy vẫn thích dạy các em niềm say mê với những câu lệnh khô khan của môn tin học, lấy sự trưởng thành của học sinh chuyên tin làm niềm vui của riêng mình.
Năm 1993, nói đến học sinh giỏi công nghệ thông tin, người ta chỉ nghĩ đó là sân chơi của những học sinh ở TP lớn. Thế nhưng, thầy Nguyễn Thanh Hùng của Trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa) lại đưa cậu học trò quê vượt mặt bạn bè thành thị giành giải nhất toàn quốc và ẵm luôn cơ hội đi thi quốc tế. Mới cưới vợ được 1 tuần, thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Hùng phải mang cả vợ vào TPHCM để học tiếp cao học ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM). Đó trở thành cái duyên đưa thầy đến với mảnh đất màu mỡ của môn tin học. “Mới vào TPHCM, cuộc sống khó khăn, 2 vợ chồng phải vừa học vừa làm nên tôi nhận dạy tin học cho học sinh Khoa Toán – Tin của trường. Ai ngờ lại trở thành nghiệp đến nay”, TS Nguyễn Thanh Hùng nhớ lại.
Đến nay, TS Nguyễn Thanh Hùng đã có ngót nghét 20 năm đưa học trò dự thi học sinh giỏi, đưa gần 150 em giành giải quốc gia và 24 em chiến thắng ở các kỳ thi Olympic Tin học quốc tế danh giá. Mỗi chuyến dẫn học trò đem chuông đi đánh xứ người là những kỷ niệm… làm mẹ, từ lo ôn tập kiến thức đến chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho học trò. Công tác phí, ăn uống chỉ được 50.000 đồng/người/ngày không đủ để đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho học trò đi thi. Chẳng lẽ để học trò thiếu thốn, thầy đành phải dùng tiền của… vợ. “Tụi học trò hay chọc là thầy đi theo tụi em thì chỉ có lỗ vốn thôi. Đúng là lỗ thật nhưng mà vui vì mình muốn đưa học trò đến tận cổng trường thi để tạo tâm lý thoải mái cho các em”, thầy Hùng bộc bạch.
Nghiệp… làm nền
Trong căn nhà nhỏ của NGƯT-TS Nguyễn Thanh Hùng có hẳn một góc được dùng làm phòng máy tính cho đội tuyển. Giai đoạn ôn luyện gấp rút, ngày nghỉ phòng tin học ở trường đóng cửa, thầy lại kéo học trò về nhà để thực hành. Những tháng gần thi, học trò ăn cơm ké, ngủ lại nhà thầy là chuyện thường. “Mỗi lần trời mưa, nhà ngập lênh láng, thầy trò phải vác máy chạy ngược vào trường học tiếp. Học trò đội tuyển tin học chưa có đứa nào mà không ăn cơm hay ngủ lại nhà mình. Có lẽ nhờ vậy mà thầy trò thân thiết với nhau hơn”, thầy Hùng kể. Một cựu học sinh viết trong kỷ yếu của trường: “Tôi nhớ mãi lần đi thi học sinh giỏi quốc gia ở Hà Nội. Hai đêm trước khi thi, tôi bị sốt mê man, thầy Nguyễn Thanh Hùng thức trắng đêm để canh chừng và lo cho tôi uống thuốc. Có lẽ do sợ phụ lòng thầy mà ngày thứ 3 tôi hết bệnh để đi thi. Năm đó, trường có 4 học sinh đi thi đều giành giải nhất, trong đó có tôi”.
Khi chúng tôi hỏi, vì sao đã có bằng tiến sĩ lại có mối quan hệ với nhiều học trò thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thầy không rẽ lối mà yên phận làm “ông giáo già”? Thầy bộc bạch: “Cuộc đời đơn giản, mỗi người có một đam mê, không nhất thiết phải làm một cái gì to tát hay nghiên cứu khoa học mới là cống hiến. Nếu không ai chấp nhận dạy phổ thông tạo nền tảng cho học sinh, chịu làm nền cho người khác thì làm sao có được những nhà khoa học vĩ đại. Điều mà tôi trăn trở nhất là học sinh bây giờ phải học thêm quá nhiều, các em không có thời gian để ưu tiên cho những môn học đam mê, tự học, mà đó là nền tảng quan trọng để phát triển ở những bậc học cao hơn. Nhiều lúc mình cảm thấy cô đơn trong chuyên môn, mỗi chuyến đi công tác gặp người tâm giao là thức trắng đêm, đốt đầy gạt tàn cùng trao đổi về chuyện nghề, chuyện đời. Có khi gặp một cái đề hay, hóc búa có thể bỏ tất cả để lao vào. Niềm an ủi lớn nhất của tôi chính là dịp 20-11 hay lễ tết, học trò cũ lại kéo nhau đến nhà kể cho tôi nghe những bước tiến của các em. Tôi nghĩ không phải ai cũng may mắn có được niềm hạnh phúc này”.
Theo Tiêu Hà
(sggp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)