Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Nắng nóng, căng thẳng ôn thi và bạo lực

Tạp Chí Giáo Dục

Cả nước đang nắng nóng khủng khiếp. Đã có người chết vì say nắng. Thầy trò tại các trường cũng đang bước vào giai đoạn căng thẳng do ôn thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp. Trong hoàn cảnh căng thẳng, nóng bức rất dễ xảy ra bạo lực giữa trò với trò, giữa thầy với trò, thậm chí giữa thầy với thầy… Nói chung, trong không khí nắng nóng, ngột ngạt người ta dễ “nổi khùng” với nhau.
Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong buổi giao ban đầu tuần vừa qua đã lưu ý yếu tố trên trong công tác chỉ đạo ôn thi tại các nhà trường trong những ngày còn lại của năm học.
Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp không thể không tiến hành ở các nhà trường. Ngoài việc thầy cô giáo cho ôn tập trên lớp, nhiều trường tổ chức cho các em truy bài lẫn nhau. Học nhóm, truy bài lẫn nhau là biện pháp tích cực, có hiệu quả, nhất là ở các trường bán trú, nội trú. Tuy nhiên thầy cô, giám thị phải hướng dẫn, phát huy tính tự quản, tính chủ động của học sinh; đồng thời phải giám sát chặt chẽ, không để các em khích bác, gây hấn với nhau sinh ra thù ghét và hành xử bạo lực.
Dù trong bất cứ tình huống nào ứng xử của thầy cô giáo với học trò vẫn phải là ứng xử sư phạm. Điều lệ trường phổ thông, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên, luật pháp… đều có những điều khoản ngăn cấm mọi hành vi sỉ nhục, đánh đập học trò, trẻ em. Thực tế do tính nóng nảy – nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay – hoặc do thiếu kiến thức và bản lĩnh nghề nghiệp… không ít thầy cô giáo đã mắc phải sai lầm. Có những sai lầm không còn cơ hội để khắc phục được, khi đã gây hậu quả xấu nơi học sinh: sang chấn tâm lý, thương tật cơ thể, thậm chí tử vong… Nhiều nơi đã xảy ra bạo lực và phụ huynh đã thưa kiện! Về vấn đề này, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – yêu cầu hiệu trưởng các trường xử lý thật nghiêm – đúng quy trình xử lý kỷ luật. Không nên để những người không có chất sư phạm đứng trên bục giảng. Họ có thể làm công việc khác thích hợp hơn.
Hiện nguồn giáo viên qua đào tạo sư phạm không thiếu. Hãy chấp nhận sàng lọc, mạnh tay sàng lọc, để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngày càng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tốt hơn.
Đức Nhuận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)