Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nắng nóng làm tăng đột quỵ

Tạp Chí Giáo Dục

Nắng nóng khiến nhiều người té xỉu vì đột quỵ nhưng người nhà cứ tưởng là trúng gió nên không đưa đi cấp cứu, vô tình khiến cơ hội cứu sống trôi qua
Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM) vừa cấp cứu cho bà T. (60 tuổi, ngụ TPHCM), được chuyển đến trong tình trạng hôn mê. Người nhà bà T. cho biết vào buổi trưa do quá nóng nên bà đi tắm. Khi mở vòi tắm, nước vừa xịt vào người thì bà đột nhiên té xỉu. Cũng theo người nhà bà T., những ngày trước đó, bà có biểu hiện mệt, ăn uống kém, huyết áp lên xuống thất thường. Nhờ chuyển đến bệnh viện kịp thời nên bà T. qua được nguy kịch. Tuy nhiên, theo các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, kết quả chụp CT cho thấy não bệnh nhân T. đã bị tổn thương.

Một trường hợp cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TPHCM.
Già, trẻ đều mắc
Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM), những ngày qua, gia đình chị N.T cũng đứng ngồi không yên vì lo lắng cho sức khỏe của ông R. (67 tuổi, ngụ Đồng Tháp). Chị T. cho biết lâu nay sức khỏe ông R. bình thường, thỉnh thoảng có uống chút rượu. Mới đây, sau khi đi đánh cờ tướng về, ông R. ngủ trưa nhưng tới giờ cơm chiều vẫn không dậy. Khi gia đình phát hiện thì ông đã bị méo miệng và một nửa người bất động.
Chưa khi nào số lượng bệnh nhân đột quỵ tại TPHCM nhập viện tăng nhiều như những ngày qua. Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, cho biết hiện khoa đang điều trị nội trú cho khoảng 140 bệnh nhân đột quỵ, số lượng tăng vài chục ca so với bình thường.
Tại các bệnh viện như Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Thống Nhất, Đại học Y Dược… số bệnh nhân đến khám được chẩn đoán liên quan đột quỵ, tai biến mạch máu não cũng rất đông. Các bác sĩ điều trị tại các bệnh viện này đều có chung nhận định rằng nắng nóng chính là một trong những tác nhân gây nên sự gia tăng đột biến này. Bình thường thì đột quỵ tấn công chủ yếu vào người lớn tuổi hoặc có bệnh mãn tính, tuy nhiên những ngày qua lại có rất nhiều người trẻ mắc bệnh, thậm chí có người chỉ mới 25-30 tuổi.
“Giờ vàng”: Quyết định sự sống
 Đột quỵ là do tắc nghẽn mạch máu cục bộ, hẹp tuần hoàn gây thiếu máu não, tai biến mạch máu não. Nhóm bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, tim mạch rất dễ bị đột quỵ tấn công. Bác sĩ Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh nhân đột quỵ do bị nhồi máu não chiếm khoảng 80%. “Những người vốn bị bệnh tim mạch, huyết áp nếu làm việc quá sức trong thời tiết nóng bức như hiện nay sẽ dễ bị tắc nghẽn mạch máu não” – bác sĩ Lê Đức Định Miên lưu ý.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia y tế khẳng định đột quỵ có thể chữa trị nếu người nhà bệnh nhân biết xử trí đúng, quan trọng hơn hết là phải biết xác định “giờ vàng” để đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Tình trạng chung hiện nay là nhiều bệnh nhân bị té xỉu… do đột quỵ nhưng người nhà cứ tưởng là trúng gió nên không đưa đi cấp cứu mà để ở nhà và cạo gió hay điều trị theo kinh nghiệm dân gian, vô tình khiến cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ, tai biến não bị trôi qua. Tiến sĩ-bác sĩ Đỗ Quốc Huy, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu TPHCM, cho hay trong những trường hợp như tai biến mạch máu não, đột quỵ chỉ cần cấp cứu sớm 10 – 15 phút thì khả năng sống của bệnh nhân sẽ tăng thêm 30%.
Dấu hiệu nhận biết
Y học hiện đại đã có nhiều phương pháp điều trị đột quỵ như tiêm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch, động mạch, hút cục máu đông. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cách tốt nhất vẫn là phòng ngừa bệnh. Cụ thể, những bệnh nhân bị hẹp động mạch, rối loạn mỡ máu, huyết áp… cần được điều trị thường xuyên. Ngoài ra, nên hạn chế uống rượu, hút thuốc lá, chất gây nghiện vì dễ gây đột quỵ do mạch máu tắc nghẽn. Khi cảm thấy các dấu hiệu sau đây thì phải cấp cứu ngay: đột ngột yếu, tê mặt, tay, chân; đột ngột nhìn mờ đi hoặc mất thị lực; đột ngột khó nói hoặc không hiểu lời nói; đột ngột đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân; chóng mặt, loạng choạng, té…
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH/ NLĐ

Bình luận (0)