Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nắng nóng: Nghề bán nước lề đường hốt bạc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TP.HCM đang vào cao điểm nắng nóng, với nhiệt độ nhiều hôm lên đến trên 40 độ C. Các điểm kinh doanh nước giải khát vỉa hè mọc lên như nấm, lúc nào cũng tấp nập khách.

Thu nhập vài triệu đồng/ngày

Đã 17g, anh Nguyễn Trung Hiếu – chủ quán nước sâm Su Su ở 421 Vĩnh Viễn, P.6, Q.10 – vẫn tất bật rửa mớ mía lau, lá thuốc dòi, lá lẻ bạn… ngâm trong thau nước. Chốc chốc, anh khuấy nồi nước sâm sôi ùng ục trên bếp để chuẩn bị vô chai. Ngay chỗ anh Hiếu đang đứng là mấy thùng xốp, mỗi thùng chất hàng trăm chai nước sâm đang chờ lạnh để giao cho khách. Dù đã chạng vạng tối, khách hàng vẫn tấp nập ghé mua: “Cho 10 chai sâm bông cúc la hán quả, một chai lớn loại 1,5 lít sâm rong biển nhãn nhục, một chai sâm ngò”. Lúc này, vợ anh Hiếu ngồi trên ghế vừa nghỉ mệt, vừa chốt đơn hàng đặt qua điện thoại. 

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ quy trình từ rửa nguyên liệu, nấu sâm, đóng chai đều được làm ngay trước cửa quán, trông rất vệ sinh. Chẳng hạn, các loại lá nấu sâm được rửa sáu lần nước; thay vì nấu sâm bằng than củi, anh Hiếu nấu bằng gas; dùng đường phèn và nhiều mía thay vì đường cát trắng. Giá nước sâm tại đây khá bình dân: 10.000 đồng/chai 300ml, 35.000 đồng/chai loại 1,5 lít. 

Các điểm bán nước giải khát vỉa hè đang hốt bạc mùa nắng nóng

Gia đình anh Hiếu bán nước sâm đã 7 năm nay. Cứ đến mùa nắng nóng, lượng khách của quán anh tăng mạnh. Năm nay, nắng nóng kéo dài nên lượng khách tăng gấp đôi. “Ngày nào cũng vậy, tôi cứ rửa lá, nấu sâm, đóng chai rồi bán từ tờ mờ sáng đến 21g. Có những ngày, hàng bán chạy đến nỗi tôi không có thời gian ăn cơm, không nhớ đã nấu bao nhiêu nồi, bán bao nhiêu chai sâm” – anh Hiếu kể. 

Nhiều điểm bán nước lề đường phải mướn thêm nhân viên thời vụ mới đáp ứng kịp nhu cầu của khách. Tại khu vực ngã tư Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Bình), trên một đoạn đường ngắn, cũng có bốn, năm điểm bán nước giải khát. Bà Trương Thị Tú – chủ quán sâm, trà bí đao số 584 Trường Chinh – cho biết, bình thường, bà đứng bán một mình; vài tháng nay nắng nóng, lượng khách đông, bà phải mướn thêm bốn nhân viên, đứng sẵn hai bên đường để đưa nước tận tay khách. Có khách mua, đứng uống trực tiếp, có khách đến đặt vài chục chai đem về uống dần. Có những ngày, bà Tú bán được 300 – 400 chai nước, giá 10.000 đồng/chai, doanh thu 3 – 4 triệu đồng/ngày.  

Thời điểm này, mặt hàng bán chạy không kém nước sâm, nước mía là dừa tươi. Dọc hai bên Quốc lộ 22 (qua Q.12 và H.Hóc Môn), Quốc lộ 1A đoạn từ ngã tư An Sương đến ngã tư Hà Huy Giáp (Q.12), có hàng chục vựa dừa cung cấp sỉ, lẻ cho các nhà hàng, quán cà phê. Anh Hải – chủ vựa dừa Hải ở Quốc lộ 22, H.Hóc Môn – cho biết, anh kinh doanh dừa hơn chục năm rồi. Trung bình mỗi ngày, vựa dừa của anh cung ứng cho hàng quán và khách đi đường từ 500 – 1.000 trái, với giá 15.000 – 17.000 đồng/trái. Chỉ tay vào kệ xếp dừa, anh Hải nói, lúc trước, các quán phải bán một tuần mới hết 50 trái dừa, còn hiện giờ, anh giao 40 trái vào buổi sáng, đến chiều, các quán đã thông báo hết dừa. Có bữa, khách muốn mua nhưng không còn hàng để bán. 

Hiện dọc lề đường đang nở rộ dịch vụ nước uống tươi, tức nước được ép trực tiếp từ các loại trái cây tươi như chanh dây, cam, sơ-ri, cóc, cà chua… với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/ly. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cũng có đến hàng chục điểm bán nước uống tươi. Phương tiện hành nghề là một chiếc bàn, máy vắt/ép mini. Các máy vắt, máy ép tại đây hoạt động liên tục từ tờ mờ sáng đến chiều tối; người mua dừng xe bên đường, đợi một lát là có ly nước trái cây vừa vắt hoặc ép.  

Kiếm được đồng tiền cũng trần thân

Nghe doanh thu, nhiều người rất ham, nhưng “cái gì cũng có giá của nó”. Anh Nguyễn Trung Hiếu – chủ quán nước sâm Su Su – cho biết, doanh thu kiếm được vào những tháng cao điểm nắng nóng có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ được một vài tháng. Những tháng còn lại, quán chỉ bán cầm cự qua ngày để giữ mối. “Hiện mỗi ngày, quán bán được 300 – 500 chai nhưng khi mưa xuống, mỗi ngày chỉ bán được 100 – 200 chai. Bù qua sớt lại, trừ đi tiền nguyên liệu, tiền công, cũng chỉ đủ sống qua ngày” – anh Hiếu chia sẻ. 

Dù bán quán lề đường nhưng có những ngày, bà Tú thu được 4 triệu đồng

Còn theo bà Trương Thị Tú, ngày nào bà cũng đội nón, mặc kín mít, cầm mấy chai nước, đứng giữa thời tiết nắng nóng từ sáng đến tối để mời chào khách. Bên ngoài thì nóng, bên trong thì mồ hôi túa ra đầm đìa nên nhiều người ngất xỉu, đổ bệnh vì sốc nhiệt. Mùa này, mướn nhân viên cũng là việc chẳng dễ dàng, vì nhân viên đứng bán hai, ba ngày là than bệnh, bỏ việc. Chưa kể, quán của bà phải cạnh tranh với những người buôn bán “ăn theo”. Bà Tú kể: “Thấy tôi bán đắt, một số người không biết từ đâu cũng chạy đến treo bảng, dựng xe đứng bán chắn ngay trước mặt. Nước sâm, bí đao mình nấu chất lượng, khách uống xong thường quay lại mua; còn những điểm bán chen ngang này không biết nấu từ gì mà treo bảng “mua một tặng một”. Nước rẻ không thể chất lượng, làm ảnh hưởng đến quán mình”. 

Mặc dù mùa này, dừa bán rất chạy nhưng nhiều vựa dừa phải đóng cửa vì dừa tăng giá, hàng khan hiếm. Theo anh Hải, hiện có những ngày, anh chỉ lấy được 200 – 300 trái dừa, khách liên tục gọi đặt hàng nhưng không có. Một số vựa khác thu mua trực tiếp tại vườn nhưng vườn không đủ cung ứng, còn mua qua thương lái thì giá bỏ mối quá cao. Dừa khan hàng là vì nhu cầu uống nước dừa tăng đột biến, trong khi diện tích trồng không tăng, và phải chờ đủ tháng (7 – 8 tháng từ lúc đậu) mới thu hoạch được trái dừa chất lượng, đủ cả nước lẫn cơm. 

Theo Thanh Hoa/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)