Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nắng nóng: Trẻ ồ ạt nhập viện vì dịch tiêu chảy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ở quầy nhận bệnh Bệnh viện Nhi đồng I, nhiều người phải vất vưởng chờ đợi tới lượt con mình (ảnh chụp ngày 20-3)
Những ngày qua tiết trời nắng nóng, dao động ở mức 37- 390C khiến lượng trẻ nhập viện tăng cao bất thường. Bệnh viện Nhi đồng I có ngày lượng bệnh nhi đăng ký khám lên tới 6.900 lượt, tăng gần 1.000 lượt so với những ngày bình thường. Trong đó, các bệnh viêm hô hấp trên, bệnh tiêu hóa, tiêu chảy chiếm tỷ lệ cao nhất.
Bệnh nhi tăng, giường bệnh thiếu
Khoa Tiêu hóa ở cả hai bệnh viện nhi mấy ngày nay lúc nào cũng đông nghẹt người, tiếng khóc trẻ con ồn ã suốt ngày. Lượng bệnh nhi tăng, giường bệnh thiếu trầm trọng khiến nhiều trẻ phải nằm đất, nằm hành lang và cả ở gốc cây. Những bé may mắn được nằm giường thì cũng chịu cảnh chật chội, từ 3-5 bé mỗi giường. Nhiều phụ huynh xót con, bồng bế nhau ra ngoài lại chịu cảnh sương lạnh hay muỗi đốt, rồi có người lại ẵm con vào, nhưng chật quá sau lại ẵm con trở ra. Không biết làm sao hơn?
Tại Bệnh viện Nhi đồng I, chị Nguyệt, mẹ bé Nguyễn Gia Bảo (11 tháng tuổi) 7 đêm liền thức trắng bên con, lau chùi, cho con ăn vì bé bị tiêu chảy liên tục. Ban ngày thì đỡ hơn do BS cho bé uống nước biển và thuốc dưỡng đường ruột. Tính đến ngày 20-3, Bảo đã nhập viện được 9 ngày. Từ hôm nhập viện tới nay, hai mẹ con chọn hành lang là “chốn nương thân”, vì trong phòng số 9 nơi Bảo được đưa vào có 11 giường, mà mỗi giường từ 5-6 bệnh nhi.
“Bạn nằm hành lang” với bé Gia Bảo là bé Minh Nhật mới 9 tháng tuổi, ngụ Vĩnh Lộc A, quận Bình Tân, TP.HCM. Chị Thảo My, mẹ Minh Nhật cho hay chị đưa con vào bệnh viện hôm 18-3 với các triệu chứng sốt cao, bị nôn ói bằng đường miệng và cả ở mũi. Nhật bị đi tiêu chảy 9 lần mỗi ngày, còn buổi tối bao nhiêu lần thì mẹ My không nhớ hết. 2 ngày sau, Nhật đã giảm bớt rõ rệt, đã cười đùa với mẹ và chỉ còn tiêu chảy 3 lần trong ngày. Chị My nói sẽ sớm xin cho con về nhà, vì ở bệnh viện ngủ hành lang bị muỗi chích, sợ con bị sốt xuất huyết hoặc dễ lây nhiễm những bệnh khác nữa. 
Bệnh viện Nhi đồng I, Khoa Tiêu hóa gồm 10 phòng và 20 phòng dịch vụ nhưng phòng nào cũng đông nghẹt người, còn ở Bệnh viện Nhi đồng II, khoa này chỉ có vỏn vẹn 3 phòng, gồm tất thảy 40 giường, nên nhiều phụ huynh và bệnh nhi cũng ra nằm cả ở nền nhà, hành lang. Chị Thái Thị Bích Liên mới đưa con nhập viện vào tối 19-3 nhưng cũng là một trong những trường hợp phải nằm ngoài hành lang vì thấy trong phòng không còn chỗ trống. Bé trai con của chị từ khi nhập viện bị sốt cao, nhưng cứ ngủ li bì, không uống nước cũng không chịu uống sữa. Trưa 20-3, vợ chồng chị Lưu Thị Kim Phượng đến từ Long Khánh (Đồng Nai) cũng sốt ruột đưa con gái 18 tháng tuổi vào Nhi đồng II vì bé bị đi tiêu chảy 7 ngày mà chưa dứt. Đã có giấy nhập viện, nhưng hai vợ chồng khệ nệ tay xách nách mang cứ ngần ngừ trước buồng bệnh số 4. Vì theo lời những phụ huynh đang nằm la liệt ở nền nhà, giường 66 mà con chị được bố trí vào ở đã “có sẵn” 3 bệnh nhi.
Giúp trẻ sớm bình phục
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, theo kinh nghiệm của nhiều người dân thì việc trang bị kiến thức cơ bản là điều hết sức quan trọng để giúp các bé sớm bình phục sức khỏe. Ngoài việc bù đắp sự thiếu hụt nước cho cơ thể trẻ, thì nhu cầu dinh dưỡng là tối quan trọng với bé trong quá trình điều trị căn bệnh này. Chị Mỹ Thục, mẹ bé Lê Khôi vừa chăm sóc con trai ở Khu dịch vụ Nhi đồng I cho hay, con chị sau 3 ngày nhập viện đã bình phục nhanh chóng. Bé Khôi 19 tháng tuổi, bị tiêu chảy liên tục, cứ 15 phút tiêu chảy một lần. Bé cũng bị nôn ói liên tục ngay sau khi bú sữa, ăn cháo, thậm chí bé nôn ói cả khi nằm ngủ bất chợt trở mình. Thế nhưng sau 3 ngày điều trị và được chăm sóc chu đáo của mẹ, bé đã đi cầu phân sệt và tươi tỉnh hẳn. Theo chỉ định của BS, Khôi sẽ sớm được xuất viện.
Theo kinh nghiệm tích góp từ sách vở, truyền hình, internet, chị Thục cẩn trọng cho con uống nước liên tục ngay sau mỗi lần bé đi tiêu chảy. Theo chị Thục, phụ huynh không nên chờ sau 2 đến 3 lần bé bị tiêu chảy rồi mới cho uống nước 1 lần vì như thế bé sẽ bị thiếu nước nhiều. Chị Thục nói rằng khi bị tiêu chảy, bộ phận tiêu hóa của bé đang yếu nên không thể cho bé dùng sữa như khi bé khỏe, vì sữa này có nhiều chất béo, sẽ gây cho bé tiêu chảy nhiều thêm, mà buộc phải cho bé dùng sữa đặc trị đối với trẻ bị tiêu chảy, vì loại này ít chất béo mà vẫn cung cấp nhu cầu dinh dưỡng cho bé đầy đủ. Cũng theo chị Thục, nhiều bé bị tiêu chảy nặng, sụt cân nhanh từ 3-4kg, chân tay run,  thậm chí đi tiêu ra máu đến nỗi phải can thiệp uống kháng sinh và thuốc chích cũng có một phần lỗi do phụ huynh chăm sóc con không đúng.
Bài, ảnh: Bích Vân
Giải pháp phòng tránh cần thiết
BS. Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết, nếu thời tiết tiếp tục duy trì nền nhiệt nắng nóng như hiện nay thì nhiều khả năng số trẻ nhập viện trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao. Vì thế, phụ huynh lưu ý rằng giải pháp phòng tránh là rất cần thiết, phảiđảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng, cho trẻ ăn chín uống sôi, tuyệt đối không để trẻ ăn thức ăn đường phố hoặc đồ ăn dư thừa, ôi thiu.
BS. Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng II cũng khuyến cáo rằng thời tiết nắng nóng là nguyên nhân tăng tiết mồ hôi khiến trẻ dễ bị thiếu nước và điện giải, nên phụ huynh cần cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết, ăn nhiều rau và trái cây, tránh không cho trẻ nằm quạt máy với tốc độ gió mạnh hoặc nằm máy lạnh ở nhiệt độ dưới 270C, không nên để trẻ bị ảnh hưởng bởi sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột, giữ vệ sinh cơ thể trẻ và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)