Sự kiện giáo dụcTin tức

Nắng nóng vượt mức lịch sử ở nhiều nơi

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết ngày 2-5, ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ phổ biến 36-39 độ C, có nơi 39-41 độ C.

Ảnh chụp bảng điện tử chỉ nhiệt độ bên ngoài UBND thành phố Đông Hà (Quảng Trị) – Ảnh: Lê Đức Dục

Một số nơi có nhiệt độ cao như Kim Bôi (Hòa Bình) 40 độ C, Lạc Sơn (Hòa Bình) 40,4 độ C, Mường La (Sơn La) 39,8 độ C, Bảo Lạc (Cao Bằng) 39,1 độ C, Nho Quan (Ninh Bình) 39,1 độ C, Quỳ Châu (Nghệ An) 39,6 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 40 độ C…
Dự báo đợt nắng nóng trên diện rộng này sẽ còn kéo dài trong 2-3 ngày tới.
Theo ông Lê Thanh Hải – phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ đầu tháng 4 đến nay đã xảy ra 3 đợt nắng nóng trên diện rộng.
Đợt thứ nhất từ ngày 15 đến 20-4 xảy ra ở khu vực phía tây bắc Bắc bộ và các tỉnh ven biển Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 – 38 độ C, có nơi cao hơn như ở Mường Lay (Điện Biên) là 38,5 độ C (ngày 15-4), ở Mường La (Sơn La) là 40 độ C (ngày 20-4), Tương Dương (Nghệ An) là 39,7 độ C (ngày 19-4), Tuyên Hóa (Quảng Bình) là 39,2 độ C (ngày 20-4)…
Đợt thứ 2 xảy ra trong ngày 24 và ngày 25-4 trên diện rộng và khá gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39 độ C, một số nơi vùng núi phía tây Bắc bộ và vùng núi phía tây thuộc Bắc Trung bộ có nhiệt độ rất cao và vượt giá trị lịch sử trong cùng thời kỳ quan trắc được, chẳng hạn như Lào Cai 39,5 độ C (ngày 24) – lịch sử là 38,1 độ C vào tháng 4-1931, Quỳ Châu (Nghệ An) 42 độ C (ngày 25-4) – lịch sử là 41,2 độ C vào tháng 4-1984, Tây Hiếu (Nghệ An) 41,5 độ C (ngày 25-4) – lịch sử là 40,6 độ C vào tháng 4-1980.
Riêng đợt nắng nóng thứ 3 bắt đầu xảy ra từ ngày 28- 4 ở các tỉnh phía tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ, sau đó từ ngày 30-4 đến 1-5 nắng nóng mở rộng phạm vi trên toàn khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ với mức độ khá gay gắt phổ biến từ 37-39 độ C, một số nơi trên 40 độ C và vượt mức lịch sử trong cùng thời kỳ quan trắc được.
Cụ thể tại Cao Bằng: 40 độ C (ngày 1-5) – lịch sử là 39,9 độ C vào tháng 5-1966, Bảo Lạc (Cao Bằng) 40,3 độ C (ngày 1-5) – lịch sử là 39,4 độ C vào tháng 5-1983, Bắc Kạn 39 độ C (ngày 1-5) – lịch sử là 38,8 độ C vào tháng 5-1966, Quỳ Hợp 41,1 độ C (ngày 1-5) – lịch sử là 39,6 độ C vào tháng 5-1980.
Dự báo đợt nắng nóng gay gắt này còn diễn ra đến hết ngày 4-5 với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-39  độ C, một số nơi vùng núi có thể lên đến trên 40 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhiệt độ công bố trên các bản tin thời tiết là nhiệt độ tiêu chuẩn đo trong lều khí tượng.
Còn nhiệt độ thực ngoài trời có thể cao hơn 3-5 độ C do các vật liệu phát sinh nhiệt khi bị nắng chiếu, khí thải.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định từ nay đến hết tháng 7-2012 tại các tỉnh miền Bắc còn có khả năng xảy ra 5-7 đợt nắng nóng trên diện rộng, mỗi đợt kéo dài 5-7 ngày, riêng khu vực miền Trung có khả năng có đợt trên 10 ngày và tương đương như mùa hè năm 2011 (15 ngày).
Theo TTO

 

Bình luận (0)