Với đề xuất nâng gấp đôi mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non (từ 35% và 50% lên mức 70% và 100%), cả nước sẽ có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.
Cô giáo Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP.Thủ Đức) hướng dẫn trẻ kỹ thuật gọt, chế biến món khoai lang
Bộ GD-ĐT đang dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo; tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp.
Việc ban hành nghị định này cũng tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.
Điều chỉnh là cần thiết
Theo Bộ GD-ĐT, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo hiện đang được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg… Sau hơn 17 năm thi hành Quyết định số 244 và Thông tư liên tịch số 01, chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại nhiều kết quả tích cực; góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập, bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhà giáo trong thời gian gần đây cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, trong việc xác định các trường hợp nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì các văn bản về danh sách những xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao đã không còn hiệu lực. Hơn nữa, thực tế thời gian qua, có nhiều đơn vị hành chính đã thay đổi do việc chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập mới và không được cập nhật hàng năm (nhất là từ năm 2009 đến nay) nên nhiều đơn vị hành chính được công nhận miền núi, vùng cao không phù hợp với tên các đơn vị hành chính. Do đó, khi triển khai, các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện chi trả những chế độ chính sách đối với nhà giáo.
Trẻ thuộc Trường Mầm non 19-5 (quận 12, TP.HCM) trong một giờ học
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì “các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II”. Tuy nhiên, thực tiễn, nhiều địa phương đã được xác định là xã khu vực I nhưng vẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo mức ở khu vực II (mức phụ cấp 50%); chỉ có một số ít các địa phương chi trả mức phụ cấp 35% như: An Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tuyên Quang.
Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo; đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (năm 2019), Luật Giáo dục năm 2019 về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo thì việc trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế cho Quyết định số 244 là phù hợp và cần thiết.
Nâng phụ cấp đồng loạt cho giáo viên mầm non
Theo Luật Giáo dục 2019, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là CĐ; giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89. Với mức phụ cấp 35%, thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.
Do đó, trong dự thảo tờ trình này, Bộ GD-ĐT đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; còn giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, bộ cho biết, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã đề xuất trước Quốc hội việc tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ đối với giáo viên như là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc; đặc biệt với giáo viên mầm non vì đây là lực lượng nghỉ việc nhiều nhất. Thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cho thấy năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Phân theo cấp học, bậc mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ việc, chiếm đông nhất. |
Bên cạnh đó, theo dự thảo tờ trình, mức phụ cấp 25% được áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ, học viện, trường bồi dưỡng. Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với giáo viên THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên ở đồng bằng, thành phố, thị xã… Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với giáo viên THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tại các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới.
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (ĐH, CĐ, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo dạy môn chính trị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường ĐH, CĐ. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với giáo viên tiểu học ở các xã khu vực I, khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, biên giới. Mức 35% áp dụng đối với giáo viên tiểu học khu vực còn lại.
Việt Ngân
Bình luận (0)