Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nắng sớm trên đỉnh Trường Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 2: Cái chữ đã đổi thay đời sống người dân

Ngày đất nước hòa bình, cũng như mọi cộng đồng tộc người khác, người Vân Kiều – Pa Cô cùng chung tay xây dựng lại đất nước. Lúc đầu bà con quen với tập tục du canh du cư nhưng đến hôm nay đồng bào đã bỏ thói quen đó. Cả vùng Tây Trường Sơn của huyện Hướng Hóa đều trong diện 135, nhưng tất cả cơ sở vật chất đều đã có đủ điện, đường, trường, trạm, xã đã có bưu điện văn hóa. Trường học đã có ở khắp các xã đảm bảo nhu cầu học tập của con em nhân dân. Những đổi thay của người dân vùng đất này chính một phần nhờ có giáo dục.

Xóa đói nghèo và làm giàu

Sau giải phóng vùng đất một thời được coi là “tuyến lửa” Quảng Trị vẫn còn dày đặc những bãi bom mìn. Ở các huyện vùng cao Hướng Hoá, Đakrông núi rừng xơ xác, hoang tàn do bị ảnh hưởng chất độc hoá học, đi đâu cũng gặp dấu tích bom đạn còn xót lại. Cái đói triền miên, cây sắn là lương thực để chống đói duy nhất ở đây, nhưng rồi mất mùa ngay cả sắn cũng không có mà ăn. Trong 10 năm (từ 1980 đến 1990), chính quyền và người dân các xã: Triệu Nguyên, Ba Lòng, Hải Phúc (huyện Đakrông) hay A Dơi, Thuận (huyện Hướng Hoá)… đã chứng kiến hàng trăm cuộc di dời, du canh du cư của anh em, họ hàng trong làng, xã mình. Và chỉ đến 1991, khi Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, đường lối chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tập trung vận động đồng bào định canh định cư. Tỉnh Quảng Trị dồn sức tập trung vận động 10.953 hộ đồng bào sống rải rác tại 41 xã về định cư cố định, thì đời sống của họ mới dần được đổi thay. Không những đủ ăn mà nhiều hộ gia đình đã có của để. Đặc biệt từ ngày có đường Trường Sơn, đời sống của người dân đổi thay rõ rệt.

Trong số các đoàn thể sát cánh cùng chính quyền tham gia vận động người dân sống định canh, định cư, học chữ, làm giàu, có một lực lượng góp phần quan trọng vào thành công đó là các chiến sĩ biên phòng hay còn được gọi là “thầy giáo mang quân hàm xanh”. Các đồn biên phòng đã cùng sát cánh với ngành văn hoá, giáo dục tuyên truyền vận động người dân bỏ những hủ tục lạc hậu, mở các lớp bổ túc văn hóa để dạy chữ cho bà con. Như ở Đồn biên phòng Cù Bai, nhiều học viên của lớp xóa mù chữ từ các lớp học này sau này đã trở thành cán bộ, đảng viên nòng cốt của xã như cụ Hồ Xười, Hồ Phòng, Hồ Tơ…. Còn ở Đồn biên phòng Tam Thanh, được phân công phụ trách khu vực 7 xã vùng Lìa gồm: Hướng Lộc, Thuận, Thanh, A Túc, A Dơi, Xy với gần 8000 dân chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều – Pa Cô. Các chiến sĩ biên phòng đã phối hợp với ngành văn hoá thông tin và các cấp uỷ, chính quyền xã xây dựng được 26/30 thôn bản văn hoá – đây là nền tảng quan trọng để đẩy lùi những tập tục lạc hậu của người dân. Đặc biêt, từ năm 1989 đến năm 1999, Đồn biên phòng Tam Thanh đã phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện chương trình xoá mù chữ, phổ cập GD tiểu học. Cán bộ chiến sĩ của đồn đã trực tiếp tham gia giảng dạy ở 17 lớp/502 học sinh, góp nhiều ngày công tu sửa, xây mới phòng học, tặng bàn ghế cho nhà trường và dụng cụ học tập cho học sinh. Nói về những việc làm này, Thượng tá Hoàng Quốc Anh – Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Thanh, tâm sự: Đây là thể hiện tình quân dân như cá với nước, chúng tôi hiểu rằng nâng cao nhận thức cho người dân cũng là làm tốt công tác an ninh biên giới. Chính vì thế đồn cũng coi việc tham gia cùng với ngành GD làm công tác vận động học sinh đi học, tham gia dạy xoá mù, phổ cập là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình.

Giáo dục là nền tảng

Ông Nguyễn Đức Tuận – Trưởng phòng GD Hướng Hoá không giấu niềm vui khi giáo dục là một trong những tác nhân quan trọng làm đổi thay diện mạo vùng đất này, tuy nhiên ông cũng không khỏi băn khoăn khi: Hướng Hóa với 18 trường mầm non, 12 trường tiểu học, 08 trường THCS và 12 trường PTCS đảm bảo đủ nhu cầu học tập cho con em nhân dân địa phương. Tuy nhiên chất lượng dạy và học còn hạn chế, chưa đồng đều, còn có sự chênh lệch giữa các vùng. Cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới GDPT. Hầu hết các trường PTCS thiếu phòng bảo quản thiết bị, phòng học bộ môn, phòng thực hành, phòng thư viện. Điều kiện làm việc và nhà ở giáo viên tuy đã được Trung ương tỉnh, huyện và công đoàn chăm lo đầu tư nhưng so với thực tế còn thiếu và khó khăn. Tất nhiên trong khó khăn thì các thầy cô cần phải cố gắng nhiều hơn, ngành GD Hướng Hoá đang nỗ lực lớn trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển GD ở vùng đất này.

Năm học này Trường THCS A Túc huy động 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6, bậc học phổ thông được 8 lớp với 244 học sinh, trong đó THCS có 6 lớp/177 học sinh, THPT có 3 lớp/84 học sinh. Như ở trường THCS có tới 99% là con em người dân tộc, có tới 765 hộ dân trong diện đói nghèo, người dân phải đi các nơi làm thuê kiếm sống. Chính vì thế cho dù các em và gia đình đã có nhận thức tốt đối với việc học, nhưng gọi được các em đến trường là một chuyện, còn làm thế nào giữ chân được các em lại là chuyện khác. Thầy giáo Trần Thanh Trà – phó hiệu trưởng Trường THCS A Túc tâm sự: Giữ chân học sinh vào lớp 6 không bỏ học là rất khó. Vì gia đình khó khăn, các em đã bắt đầu phụ giúp được việc nhà. Vì nhà ở xa, các em còn nhỏ, trường xa không thể đi lại hàng ngày được. Chính vì thế bán trú dân nuôi là giải pháp tích cực hạn chế nạn bỏ học ở đây. Điều đáng mừng là bà con rất hưởng ứng việc này như nhà ông Hồ Văn Xuân người Vân Kiều đã nhường cả nhà của mình cho lớp bán trú. Theo gương ông Xuân, nhiều người dân cũng hưởng ứng tích cực. Và mô hình này đã giúp hạn chế đáng kể nạn bỏ học của học sinh đầu cấp THCS.

Khi đã phần nào khắc phục được nạn bỏ học ở cấp THCS thì cấp THPT lại đang phải đối mặt với thực trạng này do nạn tảo hôn. Khó đâu khắc phục đấy là quan điểm chỉ đạo của các cấp quản lý và ngành GD Hướng Hóa. Còn với các thầy cô giáo thì chỉ có quyết tâm và đồng cảm với những khó khăn của người dân. Cô giáo Trần Thị Ánh Tuyết – giáo viên môn Hóa của Trường THPT A Túc, kể lại: Các em đã vào học THPT thường rất chăm và ngoan. Năm 2007, có em Hồ Xuân Dứt đang học tốt bỗng bỏ học, cô giáo hỏi thì biết Dứt mới lấy vợ nên xấu hổ không đến trường. Lặn lội đến nhà Dứt, cô giáo phân tích cần phải học để làm giàu cho gia đình, cho quê hương. Dứt hiểu ra và quay trở lại trường. Nhưng đối với con trai, chứ con gái đã lấy chồng, bỏ học thì nhà trường không có cách nào giữ chân được. Vừa tháng 11/2008 mới đây, em Hồ Thị Tua người Vân Kiều, đang học lớp 11, chín năm liền em là học sinh giỏi. Lấy chồng cũng là học sinh cùng trường, các thầy cô chỉ thuyết phục được chồng Tua đi học tiếp còn em nhất quyết không đi.

Vẫn còn có những học sinh vì hoàn cảnh gia đình, vì tập tục cũ mà phải bỏ học giữa chừng. Nhưng đây chỉ là số ít, có thể nhận thấy điều này từ tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT ngày càng tăng. Nhu cầu học THPT của con em người dân tộc Pa Cô – Vân Kiều đang ngày một nhiều thêm. Em Hồ Thị Niệu người Pa Cô, đang học lớp 12 Trường THPT Hướng Hoá, do trường THPT mới có nên em phải đi học cách nhà 40km, cứ cuối tuần lại đi xe đạp về nhà lấy gạo, xin tiền ra trọ học. Những ngày nghỉ, hiệu thường về nhà dạy học cho các em của mình. Em tâm sự: Thích học lắm, học để làm cán bộ, làm giáo viên giúp dân bản. Mơ ước của Niệu là học xong cấp III sẽ thi vào trường sư phạm để trở thành cô giáo về xã phục vụ bà con Pa Cô mình. Còn Hồ Văn Phăn chàng trai học sinh Trường THPT A Túc cũng mới lấy vợ cùng thôn, thích học đến mực nghỉ học để cưới mà còn lo “Cô giáo mắng!” – Phăn nói.

Lặn lội đến từng điểm trường vùng 135 ở Hướng Hóa để kiểm tra, thầy giáo Hoàng Đức Thắm – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho biết: “Giáo dục là nền tảng quyết định nhận thức. Chính giáo dục đang giúp người dân xóa đói, giảm nghèo kể cả làm giàu. Khi người dân nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc học là điều đáng mừng đối với những người làm công tác GD như chúng tôi”. Điều này cũng khiến dù cho ngày Tết đã cận kề nhưng ông vẫn lên giám sát các công trình xây dựng trường học, nhà công vụ cho trường THCS và THPT xã A Túc. Với quan điểm lấy chất lượng làm đầu, nhưng cũng đẩy nhanh tiến độ để có trường mới, nhà mới giáo viên và học sinh sẽ có thêm động lực trong dạy và học. Ngày mới đang về trên đỉnh Trường Sơn, GD đang góp phần đổi thay diện mạo mảnh đất này.

Bạch Ngọc Dư (GD&TD)

Bình luận (0)