Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng tầm hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 29-11-2024, tại TP.Cần Thơ, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trong khu vực giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch hợp tác giai đoạn 20242025.

Đến dự có bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; cùng lãnh đạo UBND các tỉnh; các sở, ngành; chuyên viên và cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM và ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc kỳ vọng mô hình hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL sẽ trở thành hình mẫu liên kết thành công, có khả năng nhân rộng trên cả nước

TP.HCM cùng 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội trên 6 lĩnh vực trọng tâm: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra còn có một số lĩnh vực hợp tác song phương.

Giai đoạn 2023-2024 đã triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng như kết nối doanh nghiệp, kết nối cung – cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư – thương mại, hợp tác song phương về tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (13/13 tỉnh, thành trong vùng đã tham dự Hội nghị Kết nối cung – cầu năm 2023 với 184 doanh nghiệp đăng ký 328 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương; tổ chức các sự kiện hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương đến người dân thành phố và khách du lịch, giới thiệu các hoạt động văn hóa đặc trưng, được công nhận là di sản văn hóa của các vùng miền); thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương; đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực y tế với quy mô vùng giúp giảm tải cho hệ thống y tế TP.HCM và chăm sóc sức khỏe người dân vùng ĐBSCL ngày một tốt hơn.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận: Hiệu quả thỏa thuận hợp tác mang lại chưa cao; một số nội dung, lĩnh vực mới ở bước khởi động, nghiên cứu hoặc đề xuất như lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số chỉ mới xây dựng được khung nền tảng (dưới hình thức trang web) về chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trong vùng. Lĩnh vực hạ tầng giao thông mới tổ chức tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng…; trong khi lưu lượng giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây rất lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là các dịp lễ, Tết…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Trong phiên thảo luận, ngoài việc đánh giá những kết quả đạt được của giai đoạn 2023-2024; các đại biểu tập trung trình bày giải pháp triển khai, kiến nghị để thỏa thuận hợp tác mang lại hiệu quả và thực chất hơn trong thời gian tới. Trong đó ông Hồ Văn Mừng – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị TP.HCM quan tâm, bố trí các không gian để các tỉnh ĐBSCL giới thiệu tiềm năng, lợi thế và xúc tiến đầu tư. Không gian này không chỉ là các hội nghị, diễn đàn mà là bố trí tại các địa điểm, trụ sở, trung tâm thương mại và trên không gian mạng. Đồng thời đề nghị TP.HCM giúp An Giang phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu.

Các đồng chí chủ trì phiên thảo luận

Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – đồng tình với kiến nghị của An Giang, và bổ sung: “Rất cần có không gian, địa điểm trưng bày giới thiệu và kinh doanh sản phẩm ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ để khách đến đây là biết những đặc sản và đặc trưng du lịch của các địa phương này. Ngoài việc mua đặc sản, nếu khách cần tìm hiểu về văn hóa ĐBSCL hoặc miền Đông Nam bộ thì có các phương tiện giới thiệu; nếu khách muốn đến tận nơi du lịch thì có sẵn tour tuyến, các điểm đến mà chúng ta đã liên kết với nhau… Ngoài ra mong TP.HCM có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp của TP đến đầu tư tại ĐBSCL…”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh trình bày giải pháp và kiến nghị

Nhiều đại biểu đề nghị TP.HCM hỗ trợ các lĩnh vực khác như: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ thực hiện chương trình xóa nhà tạm; hỗ trợ hoàn thiện hệ thống giao thông góp phần phát triển kinh tế – xã hội…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao và biểu dương mô hình hợp tác để cùng phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL; đồng thời phân tích những thách thức ảnh hưởng đến thực hiện thỏa thuận hợp tác gồm: Sự chênh lệch quá xa về cơ sở hạ tầng, về kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và ĐBSCL; Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sản xuất của ĐBSCL; chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong các hoạt động và trong thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa TP và ĐBSCL… Từ đó Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất nhiều nội dung để tháo gỡ. Trong đó cần phải khẳng định xuyên suốt là TP.HCM phải đóng vai trò là hạt nhân dẫn dắt kết nối với các tỉnh ĐBSCL để trở thành một khu vực phát triển đồng bộ, toàn diện và bền vững.

Cần phải phát triển nền kinh tế xanh, bền vững để thu hút đầu tư: “Nếu không thu hút được các dự án bền vững thì không xây dựng được môi trường đáng sống để thu hút các định chế tài chính, các nhà đầu tư lớn. Chỉ có phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn bền vững bảo vệ môi trường thì chúng ta mới có thể đi xa được… Ngoài ra, đào tạo, chia sẻ nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là trong thu hút đầu tư. Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhà đầu tư sẽ tự tìm đến. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, cụ thể hơn… Bộ KH-ĐT cam kết sẵn sàng đồng hành cùng với TP.HCM và ĐBSCL. Cụ thể là sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển” – Thứ trưởng chia sẻ.

Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT và những đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề ra những mục tiêu và giải pháp trong thời gian tới để nâng cao tính hiệu quả của thỏa thuận hợp tác, trong đó có tập trung cho kết nối hạ tầng. Ông Mãi nhấn mạnh: “Từ nay tới cuối năm 2025 chúng ta phải cùng Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy mở rộng đường cao tốc từ TP.HCM – Trung Lương, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 50B và nghiên cứu để triển khai hai tuyến đường quan trọng là đường ven biển và đường biên giới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và các đồng chí lãnh đạo tham quan các gian hàng trưng bày tại hội nghị

TP.HCM sẽ chủ trì nghiên cứu, mời các tỉnh ĐBSCL tham gia. Ngoài ra sẽ cùng với Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện pháp lý dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, cố gắng khởi công trước năm 2030. Sau đó chúng ta cố gắng cùng với nhau khởi động lại một số hạng mục quan trọng của giao thông đường thủy TP.HCM – ĐBSCL, nếu được thì đẩy mạnh kết nối sang Campuchia”.

Ngoài ra, để góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, TP.HCM sẽ nghiên cứu chính sách về lãi suất cho các doanh nghiệp khoa học – công nghệ TP.HCM đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản hàng nông sản tại ĐBSCL, trong đó có những ngành hàng sẽ được hỗ trợ lãi suất bằng không, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)