Từ hoa và lá sen, qua sự sáng tạo, chị Nguyễn Lê Ngọc Quỳnh (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, mang nhiều ý nghĩa.
Chị Nguyễn Lê Ngọc Quỳnh giới thiệu những sản phẩm được làm từ sen
Chị Quỳnh không chỉ góp phần nâng tầm giá trị, tính ứng dụng cho sen cũng như lan tỏa thông điệp sống xanh mà còn gìn giữ hình ảnh “quốc hoa” của Việt Nam.
Đi để trở về…
Vốn là một người yêu văn hóa và mong muốn được làm điều gì đó để đóng góp một phần công sức vào việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Quỳnh quyết định đi du học ở Pháp với ngành truyền thông văn hóa. Đây là ngành học đặc thù có rất ít người theo đuổi, vì vậy, quá trình học tập của chị Quỳnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng điều đó vẫn không làm lung lay ý chí của cô gái Việt trên đất Pháp.
Sau một thời gian học tập, năm 2011, chị Quỳnh tốt nghiệp cử nhân ngành truyền thông văn hóa. Bạn bè cứ tưởng chị Quỳnh sẽ chọn đất nước giàu tiềm năng này để theo đuổi sự nghiệp và xây dựng tương lai, thế nhưng, chị lại có một quyết định khác. “Ngay từ lúc có dự định đi du học, tôi đã có ý định học xong sẽ trở về Việt Nam làm việc. Bởi đất nước mình có nhiều giá trị văn hóa cần được người trẻ kế thừa và phát huy. Bản thân tôi cũng rất yêu những giá trị ấy. Vậy là tôi lựa chọn”, chị Quỳnh chia sẻ.
Trở về nước, chị Quỳnh có khoảng thời gian làm nhiều công việc khác nhau liên quan đến chuyên ngành đã học. Nhưng với khát vọng tuổi trẻ, chị thấy những công việc đó không phù hợp và chưa thật sự mang lại giá trị cho bản thân, xã hội. Vậy là chị cùng với một người bạn quyết định bước vào con đường khởi nghiệp từ sen. Chị biết rằng, nếu con đường này thành công, chị không chỉ giúp người nông dân có thêm nguồn kinh tế từ sen mà còn đưa hình ảnh “quốc hoa” của Việt Nam vươn xa hơn nữa. Với lợi thế đã học về truyền thông văn hóa, chị Quỳnh lên chiến lược đưa sản phẩm chưa từng có trên thị trường đến với mọi người. Ban đầu, chị tập trung vào hoa sen với những sản phẩm như tranh hoa sen, túi hình hoa sen… Nhưng sau đó, chị nhận ra rằng, nếu chỉ chú tâm vào hoa sen thì chưa đủ, sản phẩm không đa dạng. Trong khi lá sen vẫn có thể xử lý để chế tạo sản phẩm độc đáo. Điều đặc biệt là lá sen ít được sử dụng nên thường bị vứt bỏ sau khi thu hoạch. Nếu tận dụng lá sen, nguyên liệu đầu vào không chỉ rẻ mà còn giúp người nông dân có thêm một phần kinh phí. Vậy là ngoài hoa sen, chị Quỳnh nghiên cứu thêm sản phẩm từ lá sen. Để thuyết phục người sử dụng, sản phẩm của chị làm ra rất tỉ mỉ, cẩn thận. “Từ khâu trồng trọt, thu hoạch, xử lý bảo quản và các khâu gia công cuối cùng đều được làm thủ công cẩn thận, lưu giữ được hình dáng, những đường nét tự nhiên, độ mềm mại và thanh tao của hoa, lá sen mà không sản phẩm nhân tạo nào thay thế được. Chúng tôi đề cao giá trị của sản phẩm thủ công mỹ nghệ vì đây là truyền thống, thế mạnh và cũng thể hiện rõ nét nhất cho sự tài hoa, cần cù, kiên nhẫn của người Việt”, chị Quỳnh cho biết.
Để hoa và lá sen giữ được hình dáng, màu sắc ban đầu, chị Quỳnh ứng dụng quy trình xử lý công nghệ thay đổi nhựa sống tự nhiên bằng nhựa sống nhân tạo. Tiếp đến xử lý tái tạo, bổ sung màu bằng màu hữu cơ. Sau đó sấy ở nhiệt độ tầm 45-50 trong thời gian từ 3-5 ngày. Khi sấy xong, hoa và lá sen được bảo quản ở điều kiện chuẩn trong 7 ngày trước khi đưa vào chế tác sản phẩm. Bằng cách này có thể kéo dài thời gian sử dụng của hoa và lá sen nhưng vẫn giữ lại bản chất thật cũng như độ mềm mịn của những lông tơ, đường sớ gân cánh hoa, lá sen.
Tạo ra giá trị cho sen Việt
Nhờ sáng kiến của chị Quỳnh, sen Việt được nâng cao giá trị kinh tế, người nông dân trồng sen thêm phấn khởi. Chị Quỳnh và bạn đồng hành lựa chọn việc mua bán sản phẩm “sòng phẳng” với người nông dân trồng sen, đảm bảo giá mua sen ổn định cả năm nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, chị còn phối hợp hướng dẫn cách trồng sen cho người nông dân, hướng đến chất lượng sạch không hóa chất, lưu giữ giống sen thuần khiết đảm bảo cho sức khỏe người dùng. Việc hướng dẫn trồng sen còn giúp kiểm soát kích lá và chất lượng hoa khi thu hoạch, song song với việc mở rộng diện tích trồng sen chính là những lợi ích cho nguồn nước của khu vực đồng bằng sông Cửu Long do đặc tính lắng phèn giữ nước của sen.
Theo chị Quỳnh, trong tâm thức của người Việt, hoa sen từ lâu đã là “quốc hoa” và có giá trị nhất định. Tuy nhiên, từ trước đến nay khi nhắc đến hoa sen, mọi người thường liên tưởng đến những điều truyền thống, tâm linh, thậm chí là xưa cũ – hoa sen không chỉ là loài hoa mà còn có giá trị văn hóa. Khi đã là văn hóa thì phải mang tính chất kế thừa, mà thế hệ kế thừa ở đây không ai khác chính là giới trẻ Việt Nam. Chính vì thế, những sản phẩm được làm từ hoa và lá sen của chị Quỳnh luôn phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là các bạn trẻ. “Chúng tôi luôn tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với thời đại, đặc biệt là mọi lứa tuổi có thể sử dụng. Hiện thực hóa câu chuyện người trẻ không thờ ơ với những chất liệu nội địa, vùng miền, thay vào đó là sự lan tỏa và tự hào với các bạn quốc tế”, chị Quỳnh cho biết.
Sản phẩm làm từ sen phù hợp với mọi lứa tuổi
Sau 6 năm miệt mài hiện thực hóa giấc mơ sen, chị Quỳnh đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm từ hoa và lá sen. Hiện tại, chị đã tạo ra được nhiều dòng sản phẩm: Quà lưu niệm, túi thời trang, tranh… không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Một chiếc túi thông thường, được gắn thêm hoa sen, lá sen tự nhiên sau khi sấy khô sẽ bắt mắt và sinh động hơn. Hay chiếc nón lá, khi được bọc lá sen bên ngoài sẽ thấy rõ sự khác biệt so với chiếc nón thông thường. Đó không chỉ là sự khác biệt mà còn là giá trị về văn hóa, môi trường và hướng mọi người đến cuộc sống xanh. “Sản phẩm mà chúng tôi đang hướng đến là túi lá sen. Bởi vì vấn đề môi trường đang được quan tâm nên mọi người cũng dần thay thế túi vải, túi giấy cho túi ni-lông. Túi lá sen cũng sẽ là sự lựa chọn nếu sản phẩm tạo ra chất lượng và thuyết phục được người tiêu dùng”, chị Quỳnh cho hay.
Những việc làm của chị Quỳnh và người bạn đồng hành đã mang lại giá trị cho xã hội. Những sản phẩm từ sen ngày càng được biết tới, góp phần tôn vinh giá trị tốt đẹp của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Hồ Trinh
Bình luận (0)