Y tế - Văn hóaThư giãn

Nắng xuân về ngõ tối

Tạp Chí Giáo Dục

Sài Gòn, nắng hanh vàng, trời trong xanh, dịu mát. Trên đường phố, thi thoảng từng cánh hoa dầu xoay tít rơi theo từng cơn gió mùa đông đặc trưng của tiết trời phương Nam cuối năm. Trong dòng người tấp nập, xuôi ngược, chẳng biết có ai để ý đến điều đó không. Tôi rẽ vào một nơi. Nhà thương này bây giờ đã trở nên thân thuộc, có lẽ, không chỉ với riêng tôi. Đã vào tới chốn này thì ai cũng như ai. Đều chỉ mong trở ra nguyên vẹn, lành lặn. Hoặc chí ít là còn hy vọng chút gì…

1.Tôi vừa ngồi vào dãy ghế đợi, lúc này đã không còn một chỗ trống, người phụ nữ đến đứng trước mặt tôi. Chị vén áo, để lộ miếng băng gạc trắng rướm máu ở bụng: “Cho chị ít tiền đi em. Chị mới mổ mà bị móc túi hết rồi”. Tôi chỉ có thể cho chị một chút. Anh ngồi bên cạnh nói nhỏ: “Cô bị nó gạt rồi. Ngày nào mà nó không lảng vảng ở đây với cái câu đó”.

“Cô ơi, nếu cô có, làm ơn cho tôi một chút. Tôi đội ơn cô”. Tôi ngẩng lên. Hình như nghĩ tôi chưa hiểu chuyện, chị nhỏ nhẻ nói thêm: “Giờ tôi kiệt quệ rồi, chắc phải từ bỏ thôi cô. Mai tôi về mà không còn tiền về nữa”. Nghe giọng nói, tôi đoán chị người miền ngoài. Người tong teo, da vàng vọt, mái tóc xác xơ đã rụng từng mảng, vẻ hốc hác làm chị trở nên già lão nhưng cũng không hẳn đã che lấp hết nét của một gương mặt đẹp cách đây chưa lâu. Sao tôi thấy xúc động quá! Và cho chị nhiều nhất so với những gì mình có.

Bóng chị liêu xiêu rời đi rồi. Một cô (nghe giọng tôi đoán người miền Tây) quay sang trách: “Nhỏ này, con chưa từng tới mấy nơi này hả? Nó lừa đó. Tụi ăn xin là có bài vở hết đó con. Chớ mà tin nó nữa nghe chưa! Dì thấy con cũng có vẻ dư dả gì đâu”. Mấy cô bác xung quanh dường như ai cũng đồng tình, xúm vào khuyên tôi đừng nên dễ tin người như thế.

Dù cảm ơn lời khuyên đó, nhưng mấy lần sau, nhìn dáng vẻ tội nghiệp, đáng thương của những con người xa lạ trong cái nơi mà thực ra không có ai mong muốn đến này, đứng trước mặt, tôi đều không cầm lòng được.

2. Chiều nay, vừa ngồi vào chỗ đợi đã nghe: “Cô ơi, làm ơn cho tôi một chút. Ở đây lâu quá, tôi không còn gì”. Chị chắc cũng không quá năm mươi, lam lũ nhưng trông chị khá cao lớn, khỏe mạnh. Nhớ lại chuyện cảnh giác của mọi người, tôi đáp lời: “Chị thông cảm, em…”. Không đợi tôi nói hết câu, chị cảm ơn và bỏ đi rất nhanh.

Lúc chập tối, trước khi ra về, tôi đi ngang qua nơi mọi người trải chiếu nằm la liệt khắp hành lang, mé tường, chợt thấy người phụ nữ (tôi chắc chắn là người lúc chiều) ôm đứa con trai nhỏ, tầm tuổi thằng con út của tôi, ngồi bên mép chiếu. Nó gầy guộc, đầu không còn sợi tóc nào nữa nhưng đôi mắt nó vẫn ánh lên vẻ trong sáng của một đứa trẻ thông minh. Tôi đi chậm lại và gần như dừng hẳn khi nghe lời dỗ dành của chị: “Con ăn đi một chút rồi mai mẹ con mình về nhà”. “Khi nào mình vô nữa mẹ?”, tiếng thằng nhỏ. “Ừ… ừ… Mẹ cũng chưa biết nhưng chắc không lâu đâu con. Con ngoan, ráng đợi mẹ…”. Chị lấy tay quệt quệt nơi đuôi mắt. Nhưng chắc thằng nhỏ không thấy vì nó đang úp mặt vào lòng mẹ.

Tôi nghe mắt mình cay cay. Và một cảm giác gần giống như kiệt sức tự dưng ùa tới, tôi ngồi phịch xuống mép ghế đá đối diện với những chiếc chiếu.

3. Chú cầm lấy này. Anh cầm đi. Của ít lòng nhiều mà cậu… Vừa xúm xít nài nỉ, hầu như tất cả mọi người trên những chiếc chiếu vừa dúi tiền vào tay, vào túi người đàn ông tiều tụy. Anh từ tốn lấy trả lại từng người và giọng nhẹ như hơi thở: “Tôi chắc không còn bao lâu nữa. Nên quay lại đây từ biệt mọi người lần cuối. Tôi về nhà chuẩn bị đi thì có cần gì nữa đâu!”. Anh đưa tay vào túi áo, lấy ra một xấp tiền, rồi chia cho mỗi người. Tôi nhìn thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên khuôn mặt của mọi người. Không để mọi người thắc mắc lâu, vừa đi khắp lượt, anh vừa giải thích mà như nói một mình: “Tiền này tôi bán miếng đất ở quê, trang trải xong, còn lại tí đỉnh. Mấy cô bác, anh chị còn trụ lại đây không biết tới khi nào. Đây là chút lòng của tôi với người ở lại, những người đã cùng tôi nằm trên mấy chiếc chiếu này bấy lâu. Cầu trời phật phù hộ cô bác, anh chị em đừng như tôi…”. Anh nói một hơi như đã chuẩn bị lời lẽ đâu từ trước.

Chắc anh tưởng tôi cũng chớm bước vào lằn ranh đó, mà anh chưa kịp quen, nên tới định dúi tiền vào tay tôi. Nhưng tôi đã kịp ra dấu là không phải.

Không thể nào đứng dậy nổi, tôi ngồi lặng đó hồi lâu. Chợt cơn gió lay nhẹ cành cổ thụ làm những chiếc lá nhỏ rơi lả tả trên vai, trên tóc mọi người. Ngọn gió tàn đông chẳng những không lạnh mà còn mang hơi ấm mùa xuân phảng phất tràn về. Nhìn ánh đèn vàng nơi hành lang soi tỏ từng khuôn mặt người đang nằm, ngồi trên những chiếc chiếu, tôi chợt nghĩ hình như khi người ta ở lằn ranh mong manh sinh tử, thứ duy nhất còn đọng lại vẹn nguyên hình hài dáng vẻ là chữ tình. Lòng tôi cảm giác như có chút gì đó âm ấm len lỏi trong lòng ngực. Như nắng xuân ngấp nghé tràn về ngõ tối…

Ký s ca Nguyn Th M Hnh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)