Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Nào mình cùng đi xe buýt”

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 8 tuần tham gia dự án “Nào mình cùng đi xe buýt”, nhóm học sinh (HS) lớp 10, 12 Trường THPT Ernst Thalmann đã tìm hiểu được thực trạng sử dụng xe buýt của HS trên địa bàn TP.HCM hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực. Dự án cũng là phương pháp học tập hiệu quả mà nhóm HS được giáo viên hướng đến.

Cô Huỳnh Thị Thanh Hiền và một số HS bên dự án tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin”

Đầu năm học 2016-2017: Thí điểm tuyến School Bus

School Bus có nhiệm vụ đưa rước HS, là thành công bước đầu mà dự án của nhóm đạt được. Số lượng HS dự kiến tham gia khoảng 100 em đang học tại trường. Người tham gia sẽ được trợ giá khoảng 2.800 đồng/vé, tức mỗi tháng chỉ đóng khoảng 1 triệu đồng cho việc di chuyển, tùy thuộc vào cự li đoạn đường có thể ít hoặc nhiều tiền hơn một chút.

Phương Quỳnh, lớp 10A1 cho biết: “School Bus vận hành thông qua hợp đồng nhà trường với ban ngành giao thông, đơn vị cung cấp phương tiện vận chuyển. Xe buýt này sẽ tổ chức đưa đón HS từ trường về nhà và ngược lại với điều kiện vật chất, dịch vụ tốt nhất để các bạn yên tâm đến trường học hành”.

Trước khi thí điểm School Bus, nhóm dự án đã khảo sát được tỉ lệ HS chọn xe buýt đến trường vô cùng ít ỏi. Trong số hơn 780 HS trường THPT Ernst Thalmann, chỉ có 11,5% sử dụng xe buýt, hơn 58% sử dụng xe máy, còn lại là đi bộ và các phương tiện khác. Nguyên nhân khiến HS chưa mặn mà với xe buýt xuất phát từ an ninh lỏng lẻo để xảy ra nạn móc túi. Tài xế, nhân viên soát vé thiếu thân thiện. Nhiều xe xuống cấp, ít trạm, ít tuyến xe… Có đến 34% HS không hài lòng với cơ sở vật chất; 21% đánh giá thấp thái độ nhân viên, 29% cho rằng hay xảy ra tệ nạn…

Quốc Toàn, lớp 10A2, cho rằng mỗi ngày thành phố có hàng triệu lượt xe máy lưu thông, không chỉ gây ra tình trạng kẹt xe, tai nạn mà còn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Trong khi đó, ưu điểm của xe buýt – phương tiện vận tải công cộng là an toàn, tránh mưa, gió, nắng bụi, tiết kiệm chi phí cho người đi, đồng thời giảm kẹt xe, khí thải… Theo đó, việc chuyển đổi ý thức HS và cả sinh viên, người dân sử dụng xe buýt là hết sức cần thiết.

Dựa vào các kết quả, thực trạng sử dụng xe buýt trên, nhóm làm dự án đã đưa ra các giải pháp chung cho các đơn vị vận hành xe buýt hiện nay là phải khắc phục cơ sở vật chất, lắp đặt camera, tăng số tuyến, cần có lịch vệ sinh xe buýt định kỳ, phổ biến xe buýt 2 tầng, nâng cao kỹ năng cho tài xế và nhân viên… Và School Bus của nhóm cũng hướng đến những giá trị này để thu hút cũng như đảm bảo nhu cầu người sử dụng của HS.

Theo Nhật Quang, lớp 10A2, School Bus hướng đến sạch sẽ, mát mẻ, có hệ thống camera, đội ngũ tài xế, nhân viên soát vé thân thiện… Ngồi trên xe, các bạn HS còn có thể thoải mái đọc sách, ôn bài, nghe nhạc. Mặt khác, đi xe buýt còn rèn tính tự lập cho HS thay vì phụ thuộc vào việc đưa đón của cha mẹ, giúp cha mẹ bớt vất vả.

Trưởng thành hơn từ dự án

Để thực hiện dự án “Nào mình cùng đi xe buýt”, HS Trường Ernst Thalmann có 2 tuần tập huấn kỹ năng, 6 tuần trải nghiệm thực tiễn. Theo đó, các HS tham gia ở 4 nhóm: Nhóm khảo sát thực trạng, lộ trình xe buýt và tính toán, so sánh chất lượng giữa xe buýt, xe máy; Nhóm khai thác vấn đề tai nạn giao thông do sử dụng xe máy; Nhóm khảo sát số lượng HS trên địa bàn quận 1 sử dụng xe buýt và nhóm làm mô hình xe buýt, làm phim, phóng sự văn hóa đi xe buýt. Tất cả nhằm đáp ứng yêu cầu cuối cùng là phản ánh được thực trạng, nguyên nhân, đưa ra giải pháp.

Tại vòng chung kết cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2016 do Sở GD-ĐT tổ chức gần đây, dự án “Nào mình cùng đi xe buýt” đã đạt giải nhì. Đây cũng là “tấm vé” để dự án tiến tới vòng quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức sắp tới.

Do lần đầu tham gia, các nhóm gặp không ít khó khăn về quỹ thời gian, kinh nghiệm thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động chính là tham gia khảo sát thực tiễn, sau đó ứng dụng những kiến thức vào giải quyết vấn đề để tạo ra sản phẩm thể hiện tính tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi người nên sử dụng phương tiện vận tải công cộng đã giúp mỗi HS có động lực để cố gắng.

Cô Huỳnh Thị Thanh Hiền, giáo viên dạy vật lý, người đứng ra tổ chức và hướng dẫn cho nhóm đã chia sẻ, ngoài kết quả thí điểm School Bus, những sản phẩm tuyên truyền do HS làm ra chưa thực sự hoàn hảo nhưng nhà trường đã đánh giá cao về sự nỗ lực của các em trong suốt quá trình tham gia dự án.

Theo cô Hiền, dự án giúp HS có cơ hội ứng dụng kiến thức vật lý vào tính toán lượng khí thải, so sánh vận tốc các phương tiện giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế poster, quay phim, hay ứng dụng văn chương để viết báo… Và giá trị to lớn mà HS đạt được sau dự án còn phải kể đến đó là hình thành nhiều kỹ năng sống thông qua trải nghiệm thực tiễn.

“Sau dự án, nhiều HS trở nên mạnh dạn, giao tiếp tốt hơn. Các em biết quan sát, đánh giá xử lý vấn đề. Đặc biệt, thông qua làm việc nhóm, em xích lại gần hơn, biết cách làm việc nhóm như thế nào để đạt hiệu quả. Nhìn thấy kết quả này, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Nhiều phụ huynh cũng hết sức hoan nghênh và ủng hộ các em”, cô Hiền cho biết.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)