Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Nara hiền hòa

Tạp Chí Giáo Dục

Là kinh đô cổ xưa nhất của Nhật Bản, Nara vừa mới kỷ niệm 1.300 năm tuổi vào năm 2010. Mặc dù chỉ được chọn làm kinh đô trong 75 năm ngắn ngủi, Nara vẫn sở hữu và bảo tồn được một quần thể kiến trúc cổ độc đáo đã được UNESCO công nhận di sản thế giới.

Từ Kyoto, chúng tôi đi tàu hỏa khoảng 45 phút thì tới ga Nara. Tại đây, có tuyến xe bus du lịch sẵn sàng chở khách đi tham quan vòng quanh các di sản trong thành phố. Sau khi nghiên cứu bản đồ, chúng tôi quyết định chọn điểm đến đầu tiên là chùa Todaiji, biểu tượng của cố đô Nara.

Sắc hoa anh đào làm sáng lên gam màu trầm của mái chùa cổ
Chỉ trong chốc lát, chiếc xe bus chở chúng tôi đã đi vào khu vực công viên Nara. Công viên công cộng này rộng tới 660 ha. Đây không chỉ là không gian xanh tuyệt vời cho người dân thành phố, mà còn là điểm đến của du khách, vì tập trung phần lớn các di sản nổi tiếng của Nara. Tuy nhiên, điều đầu tiên lôi cuốn sự chú ý và thích thú của du khách lại là những đàn hươu hoang dã đi tự do trong công viên. Theo truyền thuyết Thần đạo (tôn giáo phổ biến ở Nhật), hươu được coi là sứ giả của thần linh nên đàn hươu hơn 1.000 con ở Nara không chỉ là biểu tượng của thành phố mà còn được đăng ký tài sản quốc gia.
Chúng tôi may mắn tới thăm Nara đúng vào ngày đầu xuân, hoa anh đào nở rộ khiến phong cảnh nơi đây càng thêm quyến rũ. Trong nắng xuân dịu dàng, những cây anh đào cổ thụ bung hoa trắng xóa, làm sáng lên màu nâu đen thâm trầm của các ngôi chùa cổ. Quần thể chùa Todaiji được xây dựng từ năm 743 là một trong những ngôi chùa lâu đời và cổ kính nhất Nhật Bản. Nằm ở góc phía đông của công viên, quần thể này bao gồm nhiều kiến trúc tôn giáo, trong đó nổi tiếng nhất là Đại Phật điện, tòa nhà bằng gỗ lớn nhất thế giới.
Tượng Phật khổng lồ bên trong Đại Phật điện
Dưới thời Nara, đạo Phật đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên các vua chúa đã huy động tới hơn hai triệu nhân công tham gia xây dựng chùa Todaiji. Bức tượng Phật bằng đồng đen ở đây cũng là bức tượng Phật lớn nhất ở Nhật Bản. Những tượng Phật khác trong điện thờ tuy không đồ sộ bằng về kích thước, nhưng vẫn gây được ấn tượng mạnh đối với chúng tôi vì các đường nét điêu khắc sống động trên gương mặt và vóc dáng.
Đèn đá phủ rêu xanh ở đền Kasuga Taisha
Hàng đèn lồng bên hiên đền Kasuga Taisha
Ở góc cuối của điện thờ, có một cây cột gỗ nổi tiếng với một lỗ hổng dưới chân cột mà theo truyền thuyết, người nào chui qua được lỗ này sẽ gặp nhiều may mắn. Do vậy, có rất nhiều người tụ tập ở đây, đặc biệt là các em nhỏ và thanh niên trẻ để tìm cách chui qua cột. Mỗi khi có một người chui được qua lỗ hổng, đám đông lại rộn tiếng cười nói chúc mừng, khiến không khí trong điện thờ thật vui vẻ và gần gũi, khác hẳn với vẻ trầm mặc vốn có ở chùa chiền. 
Từ chùa Todaiji, chúng tôi quyết định không chờ xe bus mà đi bộ tới đền thờ Thần đạo Kasuga Taisha gần đó. Đường đi tới đền băng qua một khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp với những cây thông cao vút, thân phủ đầy rêu xanh. Tuy nhiên, điểm độc đáo của con đường này là hàng trăm chiếc đèn đá dọc hai bên đường, trong đó chắc hẳn có nhiều chiếc có tuổi ngang với ngôi đền xây từ thế kỷ thứ VIII này. Tiến vào bên trong đền, chúng tôi tiếp tục bị ấn tượng mạnh bởi hàng trăm chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng, phong cách, chất liệu, treo khắp nơi. Vẻ đẹp của “bảo tàng đèn” nơi đây không thể không khiến chúng tôi mơ được một lần trở lại Nara để thưởng thức vẻ lung linh huyền bí khi tất cả đèn lồng được thắp sáng trong lễ hội Mantoro tổ chức mỗi đầu tháng Hai hàng năm.
Hạnh Liên / Phụ Nữ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)