Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

NASA vừa tiết lộ bằng chứng cho thấy sự sống ngoài Trái đất đang tồn tại ở ngay trong Hệ Mặt trời

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Câu chuyện đi tìm người ngoài hành tinh của loài người vẫn chưa khi nào hết nóng hổi. Qua thời gian, con người đã nhắm được rất nhiều ứng viên có khả năng duy trì sự sống. Trong đó, có cả những địa điểm nằm ngay trong hệ Mặt trời, bao gồm sao Hỏa, Europa – mặt trăng của sao Mộc, và Enceladus – mặt trăng của sao Thổ.
Đặc biệt nhất trong 3 ứng viên này là Enceladus. Khoa học đã xác nhận được rằng dưới bề mặt băng giá của Enceladus là một đại dương khổng lồ, có khi còn nhiều nước hơn cả Trái đất. Thông qua các lỗ trên bề mặt, Enceladus phát ra những cột nước cao khủng khiếp, bắn thẳng vào vũ trụ.
Mặt trăng của sao Thổ Enceladus.
Mặt trăng của sao Thổ Enceladus.
Nói cách khác, trên Enceladus có nước lỏng – một trong các điều kiện quan trọng để duy trì sự sống. Và mới đây, các nhà khoa học của NASA còn hé lộ một bằng chứng khác cho thấy vệ tinh này có khả năng tồn tại sự sống ở đó.
Cụ thể, các dữ liệu mới của NASA cho thấy có sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ trong cột nước mà Enceladus bắn ra ngoài vũ trụ. Chúng có chứa nitrogen (ni-tơ) và oxy – những thành phần quan trọng để tạo ra acid amin với vai trò làm nền tảng để xây dựng các khối protein. Dành cho những ai chưa biết thì nếu không có protein, sự sống trên Trái đất ngày nay cũng không thể tồn tại.
Trên thực tế, khoa học từ lâu đã tỏ ra nghi ngờ đại dương bên dưới bề mặt Enceladus có thể nuôi dưỡng sự sống. Họ đã xác nhận được các phân tử hữu cơ có xuất phát từ vệ tinh này, nhưng đây là lần đầu tiên tìm ra dấu vết cho thấy chúng hòa tan được trong nước.
Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, vì điều này chứng tỏ rằng sâu dưới lòng đại dương có các phản ứng hóa học để tạo ra acid amin.
Cấu tạo của mặt trăng Enceladus
"Nghiên cứu cho thấy đại dương trên Enceladus có những thành phần nền của acid amin, và nó tạo ra một tia hi vọng cho việc tìm kiếm khả năng duy trì sự sống của vệ tinh này" – Frank Postberg, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Khả năng có các ống thủy nhiệt, nơi tạo ra sự sống
Như đã nêu, trên Enceladus có các rãnh nứt giải phóng những cột nước khổng lồ bắn thẳng vào vũ trụ. Các rãnh nứt này có nhiệt độ cao hơn phần còn lại của vệ tinh.
NASA cho biết, họ đã phân tích dữ liệu của các cột nước này, tìm ra một số hợp chất hữu cơ mới có chứa nitrogen và oxy. Chúng hòa tan trong nước, sau đó bay hơi theo nước, ngưng tự và đóng băng trên bề mặt. Những cột nước này bị thổi vào vũ trụ, và được tàu thăm dò Cassini của NASA thu thập được khi bay ngang qua.
Ảnh minh họa về các ống thủy nhiệt của Enceladus.
Ảnh minh họa về các ống thủy nhiệt của Enceladus.
Những hợp chất này chính là một dấu hiệu nữa cho thấy Enceladus đang trải qua một giai đoạn kiến tạo sự sống tương tự như trên Trái đất.
Ở hành tinh của chúng ta, sâu dưới lòng đại dương, nước biển trộn lẫn với magma nóng bỏng tạo ra các bong bóng dưới đáy biển – chính là các lỗ thủy nhiệt, có thể mang nhiệt độ lên tới 370 độ C.
Các ống thủy nhiệt này phát ra nước rất nóng giàu hydro, kích hoạt các phản ứng thay đổi hợp chất hữu cơ thành acid amin. Các acid amin sau đó gắn với nhau – giống như khi chơi LEGO vậy – để tạo ra protein, thành phần quan trọng nhất để kiến tạo sự sống.
Sự sống ở đây sẽ tồn tại trong bóng tối.
Sự sống ở đây sẽ tồn tại trong bóng tối.
Quá trình này được tạo ra mà không cần có sự trợ giúp từ Mặt trời. Đây là một đặc điểm rất quan trọng, vì bề mặt băng của Enceladus có tính phản xạ rất cao, khiến lượng ánh sáng ít ỏi mà vệ tinh này nhận được bị đẩy ngược về vũ trụ. Nói cách khác, sự sống trên vệ tinh này, nếu có, sẽ phát triển trong bóng tối.
"Nếu gặp điều kiện phù hợp, các phân tử dưới lòng đại dương trên Enceladus sẽ có những phản ứng tương tự như ở Trái đất vậy," – Nozair Khawaja, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết. "Chúng ta vẫn không biết liệu acid amin có thực sự cần thiết để tạo ra sự sống ngoài Trái đất, nhưng phát hiện này là một mảnh ghép quan trọng để giải mã câu đố ấy".
Hồi năm 2018, nhóm nghiên cứu của Khawaja đã tìm ra các phân tử hữu cơ tương tự như lần này, nhưng chúng không hòa tan trong nước. Giả thuyết được đặt ra là chúng đã bốc hơi và đóng băng lại trên bề mặt của vệ tinh.
Để có được phản ứng tại các ống thủy nhiệt, các hợp chất hữu cơ cần phải được hòa tan vào nước, từ đó tạo ra sự sống. Và chỉ đến giờ phút này, khoa học mới tin chắc rằng hợp chất hữu cơ trên Enceladus làm được chuyện đó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)