Hội nhậpThế giới 24h

NATO coi Nga là thách thức chiến lược ở Bắc Cực

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, năng lực của Nga ở vùng Bắc cực là một thách thức chiến lược với NATO, ông hoan nghênh Canada gần đây đã đầu tư vào các hệ thống phòng thủ Bắc Mỹ.
Tổng thư ký NATO. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, hôm qua (26/8) khi xuất hiện bên cạnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại thành phố Cold Lake, Alberta của Canada, ông Stoltenberg nói: "Đối với NATO và Canada, tầm quan trọng của Bắc Cực đang tăng lên vì chúng tôi thấy Nga xây dựng lực lượng đáng kể tại đây". 

Nga đã tái mở cửa hàng trăm địa điểm quân sự từ thời Liên Xô tại Bắc Cực, sử dụng khu vực này để thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới, Tổng thư ký NATO nói. Ông cảnh báo rằng, Nga và Trung Quốc đang hình thành quan hệ đối tác chiến lược ở Bắc Cực. Điều đó thách thức các giá trị và lợi ích của NATO. 

Canada, với tư cách là thành viên NATO, đã bị chỉ trích vì chi tiêu quá ít cho quân sự. Tuy nhiên, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, Canada hồi tháng 6 tuyên bố sẽ đầu tư 3,8 tỷ USD trong vòng 6 năm tới để hiện đại hóa NORAD – tổ chức phòng thủ chung Bắc Mỹ. Đây là cơ quan quân sự phối hợp của Mỹ và Canada nhằm cảnh báo và bảo vệ không phận của họ.

Tổng thư ký NATO và Thủ tướng Canada. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Canada tuyên bố: "Tình hình địa chính trị đã thay đổi trong những tháng vừa qua, đó là lý do tại sao Nga trở thành mối lo ngại ngày càng lớn với tất cả chúng ta. Điều đó khiến chúng tôi phải kịp thời chia sẻ với Tổng thư ký NATO mọi thứ mà Canada làm thông qua NORAD". 

Thủ tướng Canada và Tổng thư ký NATO tới thăm Cambridge Bay, Nunavut hôm thứ Năm (25/8), địa điểm này một ngôi làng nằm phía trên Vòng Bắc Cực, nơi có một tiền đồn radar của hệ thống phòng không. Nó là một phần của Hệ thống cảnh báo ở Bắc cực của NORAD, nơi mà các chuyên gia cho rằng rất cần nâng cấp. Trong hơn 6 thập niên, hệ thống này đã phát hiện các mối đe dọa an ninh đối với Bắc Mỹ và hệ thống radar cảnh báo sớm của nó có từ những năm cuối của thập niên 1980. 

Cả ông Trudeau và Stotltenberg đều nhất trí rằng biến đổi khí hậu đang làm cho Bắc Cực trở thành một nơi dễ tiếp cận hơn và khiến những lo ngại về an ninh tăng lên. 

Vịnh Cambridge là một trong những điểm dừng chân chính cho tàu bè đi qua Hành lang tây bắc của Bắc Băng Dương. Mỹ đã thách thức chủ quyền của Canada đối với hành lang này trong nhiều thập niên và gọi nó là tuyến đường thủy quốc tế. 

Khi được hỏi về vấn đề chủ quyền, Thủ tướng Canada nói: "Hành lang tây bắc là vùng biển của Canada". 

Theo Hoài Linh/Vietnamnet

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)