Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng các thành viên của khối quân sự phương Tây nên để Ukraine tự do sử dụng vũ khí để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
"Đã đến lúc các đồng minh xem xét liệu có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí mà họ đã viện trợ cho Ukraine hay không", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn với The Economist hôm 24/5.
"Đặc biệt là hiện nay khi nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra ở Kharkov, gần biên giới, việc không cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí này chống lại các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga khiến họ rất khó tự vệ", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Ông Stoltenberg lưu ý rằng một số thành viên NATO đã dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Khi được hỏi liệu ông có coi Mỹ là nước cần hành động như vậy không, tổng thư ký NATO nói: "Tôi nghĩ những gì chúng ta thấy hiện nay chứng tỏ sự cần thiết phải xem xét lại những hạn chế đó, nhất là vì chúng ta đang chứng kiến giao tranh dọc biên giới giữa Nga và Ukraine".
Tuy nhiên, giới chức Nga bác bỏ tuyên bố của Mỹ về việc không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Moscow cho rằng đây là tuyên bố không chính xác nhằm duy trì ảo tưởng rằng phương Tây không phải là một bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết các vũ khí của Mỹ, như tên lửa ATACMS được trang bị đầu đạn chùm, đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, bao gồm cả các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự.
"Thực tế cho thấy vũ khí của Mỹ và các nước phương Tây khác đã tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, chủ yếu là cơ sở hạ tầng dân sự và khu dân cư", ông Lavrov nhấn mạnh.
Bình luận của người đứng đầu NATO được đưa ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo phương Tây đang đưa ra những tuyên bố ngày càng cứng rắn về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trì hoãn việc gửi vũ khí tầm xa tới Ukraine trong những ngày đầu xung đột, với lý do lo ngại khả năng gây ra một cuộc chiến rộng hơn. Sau đó, khi các loại vũ khí tiên tiến hơn được phương Tây gửi cho Ukraine, đi kèm với các điều kiện, bao gồm lệnh cấm sử dụng những vũ khí này tấn công lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, New York Times hôm 23/5 đưa tin, quan điểm về những hạn chế đó đã thay đổi khi lực lượng Nga giành được lợi thế trên chiến trường.
Sau khi có chuyến thăm tới Kiev hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã bắt đầu thúc giục chính quyền Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ khi thấy phù hợp. Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào đầu tuần này, thúc giục ông trao cho Ukraine những quyền mà họ yêu cầu, bao gồm quyền tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ.
Tổng thư ký Stoltenberg cho biết ông tin rằng các thành viên NATO có thể giải quyết vấn đề địa chính trị bằng cách hỗ trợ phòng thủ Ukraine mà không trở thành bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột.
"Chúng tôi cung cấp đào tạo, cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine, nhưng chúng tôi sẽ không trực tiếp tham gia các hoạt động chiến đấu từ lãnh thổ NATO hoặc ở Ukraine. Đó là sự khác biệt", ông Stoltenberg nói thêm.
NN (theo dantri)
Bình luận (0)